TTXVN dẫn tuyên bố của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, Nhà nước không chấp nhận sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác.
Giá vàng SJC cao hơn thế giới hơn 20 triệu đồng là không thể chấp nhận
Như Sputnik đã thông tin, thời điểm cuối năm 2023, giá vàng tại Việt Nam diễn biến bất thường.
Đặc biệt, có thời điểm giá vàng trong nước của Việt Nam vọt đỉnh lịch sử lên đến 80 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua vào - bán ra được kéo dãn tới 3-4 triệu đồng/lượng.
Trước tình hình này, ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức...
Đồng thời, rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức..., tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 1/2024.
Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; trong đó, sẽ đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp.
Ngay sau công điện và chỉ đạo nóng của Thủ tướng, giá vàng tại Việt Nam đã giảm “sốc” từ 4-5 triệu đồng/lượng.
“Nhà nước không chấp nhận việc giá vàng trong nước chênh lệch tới 20 triệu so với giá vàng thế giới và giá vàng SJC với các vàng khác chênh tới vài triệu đồng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu hôm nay (3/1) cho biết, tất cả những vướng mắc này sẽ được giải quyết trong Nghị định 24 sửa đổi trong tháng 1/2024 này.
Phó Thống đốc cũng thẳng thắn, giá thế giới tăng một mà trong nước tăng ba là “không chấp nhận được”. Nhiều tin đồn thất thiệt có tính chất đầu cơ đã xuất hiện khiến thị trường biến động mạnh những ngày qua.
Nhà nước không bảo hộ giá vàng
Làm rõ thêm tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tái khẳng định:
“Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá vàng miếng, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác”.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhắc lại, tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sắp tới và sẽ sửa đổi theo hướng vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai và xin ý kiến rộng rãi trong thời gian tới.
Về đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC theo quy định của Nghị định 24, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, nhiều chuyên gia kiến nghị không cần thiết độc quyền vàng SJC, nên mở ra nhiều loại khác.
“Dù thương hiệu vàng SJC hay có nhiều thương hiệu vàng khác nhưng mục tiêu cuối cùng cần là phải ổn định thị trường vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của 100 triệu dân”, TTXVN dẫn lời Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đại diện lãnh đạo NHNN khẳng định, quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ:
“Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng, song luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân”.
Ông Đào Minh Tú nói thêm, mục tiêu của Nghị định 24 là “chống vàng hóa nền kinh tế, không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô”. Tuy nhiên, việc sửa Nghị định 24 là cần thiết, vì Nghị định này đã ra đời cách đây 11 năm, có vai trò lịch sử nhất định song điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi.
Đã đến lúc thay đổi chính sách quản lý thị trường vàng
Cũng phát biểu tại họp báo hôm nay, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng.
Theo ông Tuấn, Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành năm 2012 giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ.
“Thực tế cho thấy, hơn chục năm qua, dù giá vàng tăng giảm thất thường, song tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng”, ông Tuấn nói.
Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước tin rằng, đây là cơ sở chứng minh mục tiêu Nghị định 24 cơ bản hoàn thành.
“Đến nay, cần xem xét tình hình mới để có những điều chỉnh phù hợp”, ông Tuấn bày tỏ.
Trả lời về các ý kiến đề nghị xem xét trả lại vàng cho thị trường, ông Tuấn cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, bộ ngành và đã được Chính phủ giao ngay trong tháng 1/2024 có báo cáo tổng kết đánh giá chính sách quản lý thị trường vàng và trình Chính phủ định hướng, phê duyệt chủ trương thay đổi chính sách phù hợp tình hình mới.
Về định hướng sửa cơ chế, ông Đào Xuân Tuấn thông tin, cơ quan quản lý sẽ xem xét sửa cơ chế quản lý vàng miếng. Còn vàng trang sức, vàng mỹ nghệ thì không phải mục tiêu quản lý của NHNN mà sẽ do thị trường tự điều tiết.
Giá vàng hôm nay bao nhiêu?
Theo ghi nhận hôm nay (3/1), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 72,5 - 75,52 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 72 - 75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên giá ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên 2/1.
Tập đoàn Vàng Bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 71 - 75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên giá ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu quanh mức 71 – 74,95 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch mua vào - bán ra tại các doanh nghiệp vàng của Việt Nam lên tới 3-3,75 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 62,76 – 63,96 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 800.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 860.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch mua - bán ở mức là 1,2 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 ở Hà Nội ở mức 62,35 – 63,35 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 1,15 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch mua – bán ở mức 1 triệu đồng/lượng.