Sư Thích Trúc Thái Minh: Chùa Ba Vàng không lừa dối Phật tử

Liên quan đến vụ “xá lợi tóc Đức Phật” gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, khẳng định nhà chùa không lừa dối Phật tử.
Sputnik
Thầy Thích Trúc Thái Minh cho rằng, những thông tin trái chiều trên mạng xã hội về “xá lợi tóc Đức Phật” là nhằm bôi nhọ chùa Ba Vàng, trong đó có những thông tin làm ông “đau khổ vô cùng”.

Trụ trì chùa Ba Vàng lần đầu lên tiếng vụ ‘xá lợi tóc Đức Phật’

Báo Vietnamnet cho biết, ngày 3/1, Đại đức Thích Trúc Thái Minh (trụ trì chùa Ba Vàng, TP Uông Bí, Quảng Ninh) đã lên tiếng về vụ ‘xá lợi tóc Đức Phật’ đang gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.
Theo đó, sư Thích Trúc Thái Minh khẳng định chùa Ba Vàng không làm chuyện lừa dối Phật tử.
"Trên mạng xã hội tung tin, bôi nhọ, nói xấu chùa và tôi đi mua cỏ pili về lừa đảo Phật tử. Mỗi Phật tử lên chùa phải đóng 1 triệu. 6 vạn Phật tử thì tôi đã cầm 60 tỷ rồi mang theo xá lợi tóc Đức Phật trốn đi nước ngoài. Chùa Ba Vàng mua sẵn hoa và mỗi người phải nộp 100 nghìn đồng. Đó là thông tin không đúng và vu khống. Tôi rất buồn", báo Vietnamnet dẫn lời Đại đức Thích Trúc Thái Minh.
Hoạt động của chùa Ba Vàng gây phức tạp dư luận, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự
Cũng theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh, chùa Ba Vàng là nơi thể hiện sự tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
"Thể như tượng Phật ở chùa được làm bằng bê tông, bằng gỗ chứ có phải Phật thật đâu nhưng họ kính tín thì đó vẫn là Đức Phật trong mỗi con người. Vì vậy, thông tin trên mạng xã hội trái chiều là xúc phạm niềm tin tín ngưỡng của Phật tử. Trên mạng xã hội có những thông tin nghe xong tôi đau khổ vô cùng", trụ trì chùa Ba Vàng chia sẻ.
Đối với thông tin cho rằng, 8 sợi tóc bên chùa Shwedagon (hay còn gọi là chùa Vàng, Myanmar) được bảo quản nghiêm ngặt, chiêm bái từ xa nhưng lại xuất hiện tại chùa Ba Vàng cho nhân dân tới gần chiêm bái, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho rằng, cũng chưa thể khẳng định chùa Shwedagon đó có đủ 8 sợi tóc Đức Phật hay không.
Trong khi đó, tại chùa Parami (Myanmar), sợi tóc được truyền thừa từ đời này sang đời khác, hoà thượng trước viên tịch thì lại truyền cho hòa thượng đời sau và các hòa thượng đều tin đó là "xá lợi tóc Đức Phật".
Còn về đề nghị mang sợi tóc đi xét nghiệm ADN có phải của Đức Phật không, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đặt câu hỏi, việc xét nghiệm sẽ lấy ai làm đối chứng khi Đức Phật đã nhập niết bàn hàng nghìn năm trước.
Trụ trì chùa Ba Vàng cho biết thêm, các sư thầy bên Myanmar khẳng định, đây là lần đầu tiên xá lợi tóc của Đức Phật được đưa sang Việt Nam.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định không làm điều dối trá. Khi biết việc bán vật như xá lợi tóc của Đức Phật được bán trên các sàn thương mại điện tử, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã cho Phật tử vào mua nhưng không được, và trang rao bán bây giờ cũng đã biến mất.
Theo ông, công nghệ AI ngày nay rất hiện đại, thông minh nên việc tạo ra sợi tóc có thể cử động như thật cũng không tránh khỏi. Do vậy, trụ trì chùa Ba Vàng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xem xét những trang mạng xã hội đó là như thế nào và có biện pháp xử lý việc bán xá lợi giả.
Giáo hội yêu cầu chùa Ba Vàng gỡ thông tin giới thiệu ‘xá lợi tóc’

Có vi phạm trong hoạt động tổ chức chiêm ngưỡng ‘xá lợi tóc’

Theo vị trụ trì chùa Ba Vàng, sáng 3/1, ông đã có buổi làm việc với Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh và chính quyền TP. Uông Bí để làm rõ thông tin vụ việc.
Hôm 2/1, tỉnh Quảng Ninh đã có thông tin chính thức về việc chùa Ba Vàng tổ chức rước và chiêm bái ‘xá lợi tóc Đức Phật’. Theo đó, một số hoạt động của chùa Ba Vàng như: lễ thỉnh vong, giải oan gia trái chủ, xin chuyển sang hệ phái Nam tông kinh, phát ngôn gây mất đoàn kết liên quan đến tín ngưỡng thờ mẫu, rước và trưng bày vật thể được cho là ‘xá lợi tóc Đức Phật’ từ Myanmar tiềm ẩn nguy cơ làm mất an ninh trật tự trên địa bàn, gây hoang mang trong nhân dân.
Việc chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày cái gọi là “xá lợi tóc Phật” cho người dân chiêm bái và một số hoạt động khác từ ngày 23 - 27/12/2023 là chưa đúng quy định của luật về chủ thể cũng như thời gian đăng ký theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
Việc tổ chức cho Phật tử chiêm bái cái gọi là “xá lợi tóc Phật” là hoạt động triển lãm, vi phạm quy định tại Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26/2/2019 của Chính phủ về hoạt động triển lãm.
Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo giao Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp với UBND TP. Uông Bí tiếp tục kiểm tra, làm rõ, củng cố hồ sơ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các chủ thể có liên quan để xảy ra vi phạm theo quy định.
Thảo luận