Làm cao tốc và đường sắt kết nối Việt Nam – Lào: Cả chính trị và kinh tế đều quan trọng

Lãnh đạo Việt Nam và Lào nỗ lực huy động nguồn lực, tăng cường tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đường sắt Vũng Áng-Vientiane, đường bộ cao tốc Hà Nội-Vientiane.
Sputnik
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, hợp tác đầu tư Việt Nam và Lào là nhu cầu khách quan và có ý nghĩa chiến lược. Mỗi chương trình, dự án hợp tác không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về kinh tế mà có ý nghĩa chính trị sâu sắc.

Thủ tướng Lào được đón tiếp thân mật tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào sáng nay.
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam kết hợp đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào.
Ông Sonexay Siphandone được đón tiếp nồng hậu, thân mật và thắm tình đoàn kết anh em tại Hà Nội. Ngày 6/1, Thủ tướng hai nước đã có cuộc hội đàm “rất thành công” với nhiều nội dung quan trọng, nhất là tăng cường thúc đẩy hợp tác đầu tư có hiệu quả giữa hai nước và ký kết một loạt văn kiện song phương.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 11 tháng 2023, Việt Nam có 7 dự án cấp mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đăng ký hơn 114 triệu USD (tăng 71,7% so với cùng kỳ).
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào
Trong 11 tháng của năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,5 tỷ USD. Bộ trưởng cho biết, đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang Lào đạt gần 5,5 tỷ USD.
“Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng luôn nằm trong tốp 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào”, - báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Đặc biệt, nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội Lào trên nhiều lĩnh vực và tạo việc làm cho hàng vạn lao động, cải thiện đời sống, bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước Lào (trung bình khoảng 200 triệu USD mỗi năm).
Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 18 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD. Doanh nghiệp Lào luôn được các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh.
Trong khi đó, theo báo Chính phủ dẫn báo cáo tại kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào cho biết, năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị nhập khẩu từ Lào tăng 4,2%.
Hợp tác mua bán điện tiếp tục được đẩy mạnh, việc Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, EVN đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào với tổng công suất 2.689 MW.

Điều đặc biệt của đầu tư Việt Nam tại Lào

Hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cũng đã cùng chứng kiến lễ trao các chứng nhận đầu tư, ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa các cơ quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Lào trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, khai thác khoáng sản.
Phát biểu chia sẻ tại hội nghị, phía Lào bày tỏ đánh giá cao đầu tư của Việt Nam. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamjane Vongphosy cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn đóng góp quan trọng cho kinh tế- xã hội Lào.
Ông cũng chỉ rõ ra điểm đặc biệt của đầu tư Việt Nam tại Lào với phần lớn các khoản đầu tư là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone cũng cho rằng, sự trưởng thành của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào thời gian qua đã góp phần kích thích sự phát triển, thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của Lào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp
Ông Sonexay Siphandone khẳng định, thời gian tới, Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân hai nước cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm tạo bước ngoặt mới, nỗ lực triển khai các dự án hợp tác mới, cụ thể hoá và thực hiện hiệu quả thoả thuận giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam-Lào, để quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Ông chia sẻ, thời gian qua, Chính phủ Lào đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó có chính sách khuyến khích đầu tư; xây dựng các quy hoạch, trong đó có quy hoạch 12 khu kinh tế, khu công nghiệp trên toàn quốc.
Lào cũng đang yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chính sách sách khuyến khích đầu tư phù hợp từng giai đoạn; đồng thời tiếp tục lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Lào mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tìm hiểu, đầu tư vào Lào trong các lĩnh vực mà Lào có thế mạnh, như nông nghiệp sạch, chế biến nông sản, khoáng sản, năng lượng sạch…
Ông Sonexay Siphandone cho biết, năm 2024, Lào đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, với chủ đề "Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi", Chính phủ Lào mong muốn Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng ủng hộ để Lào đảm nhiệm thành công vai trò của mình.
Lào cũng mong đón nhiều người dân Việt Nam hơn nữa thăm Lào, nhất là trong năm du lịch Lào 2024.

Hợp tác Việt Nam và Lào: Nhu cầu khách quan và ý nghĩa chiến lược

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào “đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực”.
Ông lưu ý, hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước là nhu cầu khách quan và có ý nghĩa chiến lược.
Phát biểu tại hội nghị ngày 7/1, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu rõ, mỗi chương trình, dự án hợp tác không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về kinh tế mà có “ý nghĩa chính trị sâu sắc”.
Sự thành công của các chương trình, dự án hợp tác đầu tư khẳng định và củng cố sự tin cậy chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mang lại của cải vật chất, cuộc sống ngày càng hạnh phúc, ấm no cho nhân dân mỗi nước.
Đồng thời, củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hiếm Việt Nam-Lào. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone chứng kiến ký biên bản Kỳ họp lần thứ 46
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, cần ưu tiên để thúc đẩy mạnh hơn nữa để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh và góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của mỗi nước, tương xứng với tiềm năng và tầm vóc của tình hữu nghị vĩ đại và đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.
Đánh giá cao kế quả hợp tác thời gian qua, Thủ tướng Việt Nam cũng chỉ rõ rằng, hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước thời gian tới cần có đột phá.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cần tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai bên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước thời gian tới.
Việt Nam và Lào cũng cần tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như: công nghệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử...
“Lào có nguồn nguyên liệu dồi dào, trong khi doanh nghiệp Việt Nam có khả năng chế biến, đặc biệt Việt Nam có thị trường rộng lớn với hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, có thể giúp hàng hóa của Lào tiếp cận”, - Thủ tướng nêu.

Xây cao tốc, đường sắt kết nối Việt - Lào

Đáng chú ý, kết nối hạ tầng, kết nối giữa hai nền kinh tế được lãnh đạo hai nước đặc biệt quan tâm.

“Trong đó, cần đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, nhất là nhất là tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Vientiane, tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientiane để kết nối Lào ra biển, hợp tác hàng không, hạ tầng kết nối các cửa khẩu”, - báo Chính phủ dẫn lời Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Việt Nam đề nghị các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai bên phối hợp, giải quyết các dự án tồn đọng, vấn đề còn vướng mắc; ưu tiên, thúc đẩy đầu tư.
Chính phủ mỗi nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý, môi trường đầu tư thuận lợi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu
Hai bên cần tăng cường đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
“Đặc biệt, có chính sách ưu tiên phù hợp cho danh nghiệp hai nước, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”, - ông Phạm Minh Chính lưu ý.
Tổng kết lại, Thủ tướng tin tưởng kết quả hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, tạo tiền đề để kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024 và nhiệm kỳ này cao hơn nhiệm kỳ trước.
Thảo luận