Theo quy định, người có nghĩa vụ kê khai tài sản nhưng không trung thực trong việc kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập thì sẽ bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ.
Thanh tra Chính phủ xác minh tài sản 56 cán bộ
Cổng TTĐT Chính phủ đưa tin, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam vừa ký Quyết định số 763/QĐ - TTCP về việc xác minh tài sản, thu nhập đối với 56 người có chức vụ, quyền hạn tại 6 bộ, ngành và 3 tập đoàn Nhà nước.
Theo đó, các cá nhân được xác minh tài sản, thu nhập đợt này gồm: 2 cán bộ Thanh tra Chính phủ; 4 cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông; 5 cán bộ Bộ Giao thông Vận tải; 12 cán bộ Bộ Công Thương; 16 người ở Bộ Giáo dục và Đào tạo; 10 người ở Ngân hàng Nhà nước; 2 người ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; 2 người ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam; 3 người ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Những cán bộ này sẽ được bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập năm 2023. Trong 6 bộ ngành, có nhiều cục trưởng, vụ trưởng; tổng giám đốc, giám đốc công ty trực thuộc; viện trưởng; hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường; giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước.
Tại 3 tập đoàn Nhà nước, những người được xác minh tài sản gồm có tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên, kế toán trưởng.
Ông Hoàng Thái Dương, Cục trưởng Phòng chống tham nhũng tiêu cực, làm tổ trưởng tổ xác minh. Thời hạn xác minh là 45 ngày, kể từ ngày quyết định được ban hành.
Nội dung xác minh là tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu thực hiện theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và các bản kê khai tài sản thu nhập tính đến 31/12/2022. Tổ xác minh cũng sẽ làm rõ tính trung thực trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.
Những ai phải kê khai tài sản?
Theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng 2018, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập bao gồm cán bộ, công chức; sĩ quan công an, quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; phó phòng trở lên tại đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước; người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
Các tài sản, thu nhập kê khai gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá trị và bất động sản khác mà mỗi tài sản trị giá từ 50 triệu đồng; tài sản, tài khoản ở nước ngoài.
Thanh tra Chính phủ được phân cấp kiểm soát tài sản thu nhập của những người có phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên đang công tác tại các cơ quan Chính phủ; người đứng đầu và cấp phó các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng thành lập hoặc phê duyệt điều lệ; người đứng đầu và cấp phó cũng như thành viên các cơ cấu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước...
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản nhưng không trung thực trong việc kê khai, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập thì sẽ bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ. Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, gây cản trở hoạt động kiểm soát hoặc không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo mức độ có thể bị cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.