Từ kết luận của Thanh tra Chính phủ, bắt thêm cựu lãnh đạo Tổng Công ty Chè Việt Nam

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an phát đi thông báo về vụ khởi tố, bắt tạm giam cựu Tổng giám đốc Công ty Chè Việt Nam và 2 đồng phạm.
Sputnik
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu Tổng Giám đốc phụ trách HĐTV Tổng Công ty Chè Việt Nam Nguyễn Thiện Toàn.
Đồng thời, các ông Đặng Ngọc Cầm và Nguyễn Quốc Khánh (cùng là thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Chè Việt Nam)cũng bị bắt và khởi tố về cùng tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Thêm hai thành viên HĐTV Tổng Công ty Chè Việt Nam bị bắt

Ngày 7/1, Trung tướng Tô Ân Xô, người Phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 3 cựu lãnh đạo cấp cao Tổng Công ty Chè Việt Nam).
“Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bắt tạm giam bị can Nguyễn Thiện Toàn (nguyên Tổng Giám đốc, Phụ trách Hội đồng thành viên Tổng Công ty Chè Việt Nam)”, - Bộ Công an phát đi thông cáo nêu rõ.
Vụ án này thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, giám sát.
Bị can Đặng Ngọc Cầm (bên trái); Bị can Nguyễn Quốc Khánh (bên phải)
Đồng thời, ông Đặng Ngọc Cầm và Nguyễn Quốc Khánh (đều là thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Chè Việt Nam) bị bắt do có liên quan đến sai phạm về góp vốn và thoái vốn là quyền sử dụng khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Chè Việt Nam - Công ty Cổ phần và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Thoái vốn gây thiệt hại tài sản Nhà nước

Tổng Công ty Chè Việt Nam có tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đến năm 2015, đơn vị này chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.
Đâycũng là doanh nghiệp có các vườn chè năng suất, nhiều công nhân tay nghề cao, quy mô hoạt động về chè lớn nhất Việt Nam.
Trong thông cáo mới nhất, Bộ Công an thông tin, trong quá trình mở rộng điều tra, ngày 5/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Đặng Ngọc Cầm và Nguyễn Quốc Khánh (đều là thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Chè Việt Nam) có hành vi ký các Nghị quyết của Hội đồng thành viên Tổng Công ty Chè thống nhất góp vốn và thoái vốn là quyền sử dụng khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh không thông qua đấu giá công khai theo quy định gây thiệt hại tài sản của nhà nước.
Chủ tịch Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bị bắt, Công an khám nhà
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn Quyết định và Lệnh tố tụng nêu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các quyết định, triển khai thi hành lệnh theo đúng quy định pháp luật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan, xác minh tài sản để kê biên, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

‘Đất vàng’ rơi vào tay tư nhân

Liên quan đến vụ án này, từ tháng 8/2020, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam.
Tại thời điểm công bố kết luận thanh tra (2/2021 Kết luận số 238), Thanh tra Chính phủ đã lưu ý về những sai phạm nghiêm trọng Tổng công ty Chè Việt Nam khi đem loạt cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đi góp vốn liên doanh, liên kết.
Theo hồ sơ tài liệu được cung cấp, liên quan đến 12 khu đất với tổng diện tích hơn 68.500m2, trước khi cổ phần hóa, hội đồng quản trị, ban giám đốc Tổng công ty Chè đưa đi góp vốn liên doanh, liên kết bằng giá trị quyền sử dụng các khu đất, thoái vốn, chuyển nhượng giá trị đầu tư.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ khẳng định,đến nay hầu hết các cơ sở nhà đất này, trong đó có những khu đất rộng cả ngàn mét vuông, những khu có vị trí đắc địa tại Hà Nội và TP.HCM, đều rơi vào tay tư nhân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bị bắt vì nhận hối lộ
“Đơn vị báo cáo đến nay không còn hồ sơ, tài liệu hoặc không cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan”, - Thanh tra Chính phủ cho hay.
Riêng với khu đất vàng ở số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM), cơ quan thanh tra xác định có diện tích 446,8m2 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường ký các hợp đồng, phụ lục hợp đồng cho chi nhánh Tổng công ty Chè - Công ty TNHH MTV tại TP.HCM thuê đất.
Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Chè lập dự án đầu tư xây dựng công trình nhà làm việc và văn phòng cho thuê.
Đến năm 2009, HĐQT tổng công ty Chè Việt Nam có nghị quyết phê duyệt chủ trương hợp tác cho thuê làm văn phòng lâu dài với Công ty TNHH xây dựng - thương mại - dịch vụ GB, thời hạn cho thuê theo hợp đồng đã được ký kết là 35 năm.
Tuy nhiên, đến năm 2013 hội đồng quản trị tổng công ty có nghị quyết thực hiện việc thoái vốn là tài sản tại số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, không thông qua đấu giá.
Tại thời điểm thanh tra, khu đất này do Công ty GB quản lý sử dụng và được TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chấn chỉnh, khắc phục, xử lý những tồn tại, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam và chuyển sang Bộ Công an điều tra xác minh xử lý theo quy định pháp luật.
Thảo luận