Theo ước tính của họ, tổng thiệt hại từ những diễn biến như vậy sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 10 nghìn tỷ USD. So với con số này, hậu quả kinh tế của cuộc xung đột ở Ukraina, đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu “chả đáng là bao”. Nguyên nhân dẫn đến tác động quy mô lớn như vậy nằm ở chỗ Đài Loan chiếm vị trí dẫn đầu về sản xuất chất bán dẫn: tổng vốn hóa thị trường của 20 khách hàng lớn nhất của nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC là 7,4 nghìn tỷ USD. Ngoài ra, eo biển Đài Loan còn là “một trong những tuyến thương mại quan trọng nhất thế giới”.
Theo các chuyên gia của Bloomberg, trong trường hợp xảy ra kịch bản quân sự với sự tham gia của Mỹ, GDP của hòn đảo này sẽ giảm 40% và của Trung Quốc đại lục giảm 16,7%. Nền kinh tế Mỹ sẽ mất 6,7% và GDP toàn cầu sẽ giảm 10,2%. Trong trường hợp này, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á khác sẽ chịu thiệt hại lớn nhất. Trong trường hợp không có hành động quân sự, nhưng trong trường hợp Trung Quốc phong tỏa Đài Loan, GDP của hòn đảo này sẽ giảm 12,2%, của Trung Quốc đại lục - giảm 8,9%, Hoa Kỳ giảm 3,3% và nền kinh tế thế giới sẽ thiệt hại 5%.
Lịch sử quan hệ Trung Quốc - Đài Loan
Quan hệ chính thức giữa chính quyền trung ương CHND Trung Hoa và tỉnh đảo Đài Loan bị gián đoạn vào năm 1949, sau khi lực lượng Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo chuyển đến Đài Loan vì thất bại trong cuộc nội chiến với đảng Cộng sản Trung Quốc. Các liên hệ kinh doanh và phi chính thức giữa hòn đảo và Trung Hoa đại lục đã nối lại vào cuối những năm 1980. Từ đầu những năm 1990, các bên bắt đầu tiếp xúc thông qua các tổ chức phi chính phủ như Hiệp hội BK về Phát triển quan hệ qua eo biển Đài Loan và Quỹ Đài Bắc về giao lưu xuyên eo biển.
CHND Trung Hoa coi hòn đảo là tỉnh của mình và luôn phản đối mọi cuộc tiếp xúc giữa đại diện Đài Bắc với các quan chức đương nhiệm, đặc biệt là các quan chức cấp cao hoặc quân đội từ các quốc gia mà Bắc Kinh có quan hệ ngoại giao.