Theo chuyên gia, gạo Việt Nam đang vượt trội so với các đối thủ nhờ các giống gạo mới, thậm chí định vị cả một phân khúc gạo mới trên thị trường. Năm 2024, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh.
‘Đầu tư bài bản, không phải ăn may’
Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố ngày 9/1 cho thấy, giá gạo Việt loại 5% tấm giao dịch ở mức 653 USD/tấn, loại 25% tấm ở mức 633 USD/tấn.
Giá gạo Việt Nam cao hơn giá gạo nhiều nước khác như Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan.
Lý giải cho điều này, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, gạo ngắn ngày của Thái Lan, Ấn Độ không thơm như Việt Nam. Nhờ những giống mới mà gạo Việt càng vượt trội hơn nữa.
Cụ thể, báo Nông nghiệp dẫn lời GS. Võ Tòng Xuân cho biết, trước đây, các thương nhân kinh doanh lúa gạo quốc tế thường chia gạo làm 2 loại. Một là gạo thơm, hạt dài của Thái Lan, loại còn lại là gạo trắng.
Gạo thơm Thái Lan do sản xuất dài ngày, mỗi năm chỉ có 1 vụ, năng suất thấp, nên thường được định giá rất cao, tới 800 USD/tấn. Trong khi đó, gạo trắng được trồng từ các giống lúa ngắn ngày, một năm nhiều vụ, năng suất cao, nhưng không thơm, do đó thường có giá thấp hơn, chỉ khoảng 250-300 USD/tấn.
Thế nhưng, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công tác nghiên cứu giống lúa trong hàng chục năm qua, Việt Nam hiện đã có bộ giống lúa thơm ngắn ngày, mỗi năm có thể sản xuất 2-3 vụ, năng suất cao và gạo dẻo thơm.
Theo ông Xuân, đây là bộ giống mà các nước sản xuất, xuất khẩu lớn như Ấn Độ hay Thái Lan không có.
“Quan trọng hơn, bộ giống này giúp Việt Nam định vị một phân khúc gạo mới trên thị trường: gạo thơm ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt”, - chuyên gia nhấn mạnh đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá gạo xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Về phần mình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho hay, giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan không phải "ăn may", mà đến từ sự đầu tư bài bản của người nông dân.
Năm 2024, giá gạo dự báo vẫn neo ở mức cao. Do đó, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội khi nhu cầu tiêu thụ lúa gạo vẫn rất lớn.
"Giải pháp đường dài để phát triển chính là sự liên kết DN và nông dân trồng lúa để đôi bên cùng có lợi. Chính phủ cũng đã có Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Nếu thực hiện thành công đề án này, nông dân chắc chắn sẽ có lãi và doanh nghiệp thu về lợi nhuận lớn", - báo Tiền phong dẫn lời ông Phạm Thái Bình.
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng Nguyễn Vĩnh Trọng dự báo. giá lúa gạo năm 2024 và trong tương lai vẫn cao, Việt Nam nên tận dụng cơ hội sản xuất, xuất khẩu để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
"Những năm trước, giá gạo xuất khẩu ở mức thấp, còn giá gạo hiện tại mới phù hợp với công sức của bà con. Chúng tôi mong muốn các ban, ngành, tổ chức, nông dân và doanh nghiệp có sự gắn kết hơn trong tương lai để giữ vững giá trị của hạt gạo Việt Nam nhằm góp phần phát triển đất nước", - ông Trọng nói.
Lợi thế của xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, thu về 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Con số này là kỷ lục trong suốt hơn 30 năm xuất khẩu gạo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo, trong khi Ấn Độ nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, một số nước nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines đều có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo. Indonesia, bạn hàng lớn của Việt Nam hiện nay, dự báo sẽ tăng nhập khoảng 600.000 tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, với những lợi thế đã nêu trên, xuất khẩu gạo năm 2024 có thể mang về cho Việt Nam 5,3 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2023.