Đại uý phi công Đỗ Tiến Đức cho biết, thời điểm máy bay Su-22 gặp sự cố, anh đã nghĩ thoáng qua rằng mình có thể hy sinh. Tuy nhiên, nguyện vọng lớn nhất vẫn là mong muốn tiếp tục được làm phi công lái máy bay chiến đấu.
Về sự cố này, Đại tá Ngô Quốc Phương, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân nêu ý kiến trên báo Quân đội nhân dân cho rằng, đây là vụ việc rất đáng tiếc nhưng cũng khẳng định sự thành công của công tác huấn luyện của Không quân Việt Nam khi đã rèn luyện được những phi công bản lĩnh, tỉnh táo, quyết đoán.
Đối với quá trình khắc phục xong hậu quả vụ rơi Su-22, hiện các lực lượng Quân đội đang phối hợp với thị xã Điện Bàn, Quảng Nam hỗ trợ sửa chữa lại nhà cho các hộ dân bị thiệt hại. Việc sửa chữa nhà cửa hư hỏng sẽ được hoàn thành trước Tết Nguyên đán.
Phi công Đỗ Tiến Đức kể lại giây phút sinh tử
Trả lời Đài truyền hình Việt Nam VTV, Đại úy phi công Đỗ Tiến Đức chia sẻ thêm về tình huống sự cố với Su-22 trong chuyến bay huấn luyện ngày 9/1 khiến anh phải phóng ghế thoát hiểm và nhảy dù.
Đại uý Đức cho hay, chuyến bay ngày 9/1 do anh điều khiển là chuyến sát hạch đường dài, không kích trực tiếp mục tiêu mặt đất.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ công kích, chỉ huy bay lệnh cho anh đình chỉ nhiệm vụ để về sân bay hạ cánh.
Thế như, khi đang thi hành mệnh lệnh thì vòng quay bị treo, phi công không thể tăng hay giảm được nên vòng quay bị treo cố định.
Xác định không thể hạ cánh trên đường băng, phi công đành phải điều khiển hướng máy bay sang phía Tây, khu vực không có dân cư. Trong tình huống này, chỉ huy bay lệnh cho anh giữ tốt trạng thái và nhảy dù.
"Trong đầu tôi lúc đó thoáng qua ý nghĩ là mình có thể hy sinh. Nhưng chỉ là suy nghĩ thoáng qua thôi vì sau đó tôi đã bình tĩnh lại. Tôi đã cố gắng đưa máy bay tới độ cao thấp nhất có thể, tốc độ nhỏ nhất có thể, tránh xa khu dân cư để làm sao tránh thiệt hại cho người dân”, VTV dẫn lời Đại úy Đức.
Sau khi thoát hiểm thành công, Đại úy Đức đã được lãnh đạo đơn vị thăm hỏi rất nhiều. Được hỏi nguyện vọng, Đại úy Đức bày tỏ mong muốn tiếp tục được làm phi công lái máy bay chiến đấu.
“Đó là đam mê đã ăn sâu vào tận xương tuỷ và tôi mong ước được góp sức mình đảm bảo bình yên cho bầu trời quê hương, Tổ quốc”, phi công Đức chia sẻ.
Tình huống cực kỳ nguy hiểm
Theo báo Quân đội nhân dân dẫn phân tích của Đại tá Ngô Quốc Phương, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân, trong thuật ngữ xử lý bất trắc của phi công chiến đấu có cụm từ "NHẢY DÙ THÀNH CÔNG".
Đây là biểu hiện cho sự an toàn cho cả phi công và mặt đất. Theo Đại tá Phương, ban bay ngày 9-1-2024 của Trung đoàn 929, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không – Không quân, phi công Đỗ Tiến Đức và kíp chỉ huy bay gồm đồng chí Lê Tuấn Nghĩa và đồng chí Bùi Văn Đài đã hành động chính xác và đã "NHẢY DÙ THÀNH CÔNG".
Theo báo cáo, trưa ngày 9/1/2024, trong chuyến bay thứ 2 của mình, Đại úy Đỗ Tiến Đức - Phi đội trưởng Phi đội 1 bay trên máy bay Su-22 số hiệu 5880 dẫn phi công số 2 là Trung úy Đào Ngọc Trìu bay trên máy bay số hiệu 5878 thực hiện bài 38 sát hạch đường dài độ cao trung bình công kích trực tiếp mục tiêu mặt đất.
Kết thúc nhiệm vụ, theo lệnh chỉ huy bay, biên đội về sân bay hạ cánh. Khi cách sân bay khoảng 36km, chỉ huy ra lệnh cho biên đội kéo dài cự ly, hạ cánh trực tiếp. Vào đến cự ly 26km, phi công Đức báo cáo:
“Vòng quay động cơ bị treo tại 70% và không thể điều khiển được” - tương đương với chế độ làm việc nhỏ nhất của máy bay.
Lúc này, độ cao chỉ còn 500m, tốc độ giảm nhanh xuống dưới 400km/h. Chỉ huy bay ra các khẩu lệnh để phi công kiểm tra sự làm việc của động cơ và giữ trạng thái máy bay.
Đại tá Phương cho biết thêm, trong tình huống cực kỳ nguy hiểm này, biết khó có thể đưa máy bay về hạ cánh được, vì độ cao rất thấp nên Đức có thể nhìn thấy phía dưới là khu dân cư đông đúc. Đức chủ động báo cáo "xin phép đưa máy bay về hướng Tây" và khẽ nghiêng máy bay sang trái, khi thấy phía trước là khoảng trống có cây xanh.
Cùng lúc, chỉ huy bay ra lệnh "nhảy dù 24", Đại uý Đức giật vòng dù với một động tác đã được luyện tập thuần thục. Do chủ động và chuẩn bị tốt tư thế nên khi ghế phóng ra Đức hoàn toàn tỉnh táo. Dù và người nhẹ nhàng tiếp đất, vòm dù còn mắc trên ngọn dừa.
Gần như ngay lập tức một đồng chí công an phường Điện Nam Trung cùng khoảng chục người dân kéo đến. Đức nhờ đồng chí công an và mọi người giúp gỡ dù bị mắc trên cây và bảo vệ hiện trường.
Phi công cũng đã rất lo lắng hỏi đồng chí công an: "Anh ơi, máy bay rơi có ai bị sao không?" Cả đồng chí công an và đồng chí chủ tịch phường đều nói: "Qua nắm bắt nhanh hiện tại không có ai bị sao cả", Đức thở phào nhẹ nhõm, lúc này xe của đơn vị vừa kịp đến đưa phi công về Viện Quân y 17.
“Có thể nói, đây là vụ việc rất đáng tiếc vì kỹ thuật hàng không phát sinh hỏng hóc dẫn đến phi công phải rời máy bay”, Đại tá Ngô Quốc Phương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân nhấn mạnh, qua vụ việc này cũng khẳng định sự thành công của công tác huấn luyện Không quân khi đã rèn luyện nên những đồng chí phi công và chỉ huy bay có trình độ, bản lĩnh, bình tĩnh, tỉnh táo, quyết đoán, đặc biệt hành động của phi công trong giây phút hiểm nguy vẫn cố gắng đưa máy bay ra khỏi khu đông dân cư rồi mới thoát ly khỏi máy bay.
Được biết, theo số liệu giải mã của hộp đen thời điểm nhảy dù tốc độ chỉ còn 307km/h, độ cao còn 272m-những tham số cực kỳ nguy hiểm của trạng thái bay.
“Sự cố gắng của phi công Đỗ Tiến Đức đã làm giảm thiểu những thiệt hại ở mặt đất (trên thực tế chỉ có một người đàn ông bị mảnh ngói bay vào đầu và một bà cụ bị ngất do sóng kích của tiếng động gây nên. Thời điểm viết bài này, sức khỏe của hai người đã trở lại bình thường)”, Đại tá Phương nói thêm.
Sẽ sửa nhà cho dân xong trước Tết Nguyên đán
Trước đó, vào trưa ngày 9/1, máy bay quân sự số hiệu 90, loại Su-22 của Trung đoàn 929 - Sư đoàn 372 Quân chủng Phòng không Không quân, do phi công Đỗ Tiến Đức điều khiển, đã xảy ra sự cố và rơi tại khu vực Sa Cát, khối phố Bình Ninh, phường Điện Nam Bắc, tỉnh Quảng Nam.
Anh Nguyễn Thanh Quốc, người dân địa phương, cho biết khoảng 11h15 ngày 9/1, gia đình anh đang ăn cơm thì bất ngờ nghe thấy tiếng nổ lớn. Ngay sau đó, mái ngói và mái tôn nhà anh Quốc bất ngờ rơi loảng xoảng.
"Tôi và cả nhà đang ăn ở nhà trên. Nghe tiếng nổ ai nấy cũng khiếp vía, chứng kiến nhà sau đổ sập và mái tôn bị cuốn phăng, tôi như chết điếng", VTV dẫn lời anh Nguyễn Thanh Quốc.
Trong khi đó, anh Bùi Văn Hiệp (28 tuổi), sống đối diện nhà anh Quốc, vẫn còn hoảng sợ khi nhớ lại vụ việc. Thời điểm máy bay phát nổ, anh Hiệp đang nghỉ trưa trong nhà mình.
"Đang nằm bấm điện thoại, tôi giật bắn người khi nghe tiếng nổ như tiếng bom. Chạy ra nhà hàng xóm xem thì tôi thấy mái nhà đổ sập, nhiều người la hét. Ngoài khu đất trống, chiếc máy bay bốc cháy khói đen nghi ngút", anh Hiệp nhớ lại.
Theo anh Hiệp, tại khu vực gần nơi máy bay tiếp đất, hàng xóm của anh là ông Nguyễn Thanh Hùng (50 tuổi) bị thương ở vùng mặt do dính các mảnh vỡ của máy bay. Ngay sau đó, người dân đã đưa ông Hùng đi điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức.
UBND thị xã Điện Bàn cho hay, vụ rơi máy bay đã làm hư hỏng mái ngói, làm sập tường của một hộ dân. Hiện các lực lượng Quân đội đang phối hợp với thị xã Điện Bàn, Quảng Nam hỗ trợ sửa chữa lại nhà cho các hộ dân. Việc sửa chữa nhà cửa hư hỏng sẽ được hoàn thành trước Tết Nguyên đán.