Hà Nội yêu cầu Hoa Kỳ không đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhắc lại, Mỹ cần có những đánh giá “khách quan” dựa trên thông tin “chính xác và toàn diện” về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam.
“Yêu cầu Mỹ không đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tôn giáo”
Đại diện Bộ Ngoại giao vừa lên tiếng cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Hoa Kỳ tiếp tục đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (SWL).
Bất chấp việc Việt Nam và Mỹ đã nâng quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Hà Nội của tổng thống Joe Biden, hôm 4/1, Washington vẫn liệt Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (SWL).
Trước đó, tại buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper ở trụ sở Bộ Nội vụ từ hôm 5/12/2023, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sớm đưa Việt Nam ra khỏi "Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo", đặc biệt trong bối cảnh hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Trước tình huống này, ngày 11/1, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phạm Thu Hằng đã đưa ra tuyên bố thẳng thắn về quyết định “thiếu khách quan” của Mỹ.
“Việt Nam lấy làm tiếc và yêu cầu Hoa Kỳ không đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”, - phát ngôn viên Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng, chính quyền Mỹ cần có đánh giá khách quan dựa trên thông tin chính xác và toàn diện về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam.
Việt Nam sẵn sàng đối thoại cởi mở với Mỹ
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Theo phát ngôn viên Phạm Thu Hằng: “Điều này thể hiện rất rõ trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam và hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được bảo đảm tôn trọng trên thực tế”.
Đại diện Bộ Ngoại giao nhắc lại, những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người trong đó có bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đều được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong thời gian qua.
“Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”, - người phát ngôn Bộ Ngoại giao tái khẳng định.
Yêu cầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đính chính thông tin
Tại họp báo chiều nay, liên quan đến câu hỏi về việc có thông tin được cho là đã được đăng tải trên website của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc nói về 8 cam kết mà Việt Nam đệ trình với mốc thời hạn là năm 2099, bà Phạm Thu Hằng cũng khẳng định đây là thông tin “không chính xác”.
“Chúng tôi đã yêu cầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đính chính thông tin này”, - bà Phạm Thu Hằng nêu rõ.
Thông tin thêm, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tại sự kiện cấp cao kỷ niệm 75 năm thông qua Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền vừa được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 12/12/2023, Việt Nam cùng các nước khẳng định chủ trương thúc đẩy thực hiện Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền thông qua cam kết cụ thể.
“Trong đó, những nội dung cam kết của Việt Nam là cam kết thường xuyên, liên tục, thể hiện nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, phù hợp với chính sách nhất quán của Việt Nam trong lĩnh vực này”, - người phát ngôn cho hay đây cũng là cách thể hiện của nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế.