14-15 tỷ USD đổ về, Việt Nam vào top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới

Nhiều năm qua, Việt Nam duy trì vững vàng vị trí trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Sputnik
Theo chuyên gia, năm 2023, kinh tế toàn cầu đều khó khăn nên dòng tiền của người Việt về có sụt giảm là chuyện bình thường, nhưng ở mức 14 - 15 tỷ USD là rất cao.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM thông báo, trong năm 2023, lượng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh ước đạt gần 9 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2022. Đây là mức kiều hối cao nhất từ trước đến nay.

Sức mạnh mềm của khoảng 6 triệu người Việt ở 130 quốc gia, vùng lãnh thổ

Ngày 11/1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì gặp mặt báo chí nhằm thông tin về tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kết quả công tác năm 2023, phương hướng hoạt động năm 2024.
Theo Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng về số lượng và mở rộng về thành phần.
Hiện có khoảng 6 triệu người ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, có khoảng 80% người Việt sống ở các nước phát triển, với khoảng 600.000 người có trình độ đại học và cao hơn.
Vinfast rót 2 tỷ USD vào Ấn Độ
Sức mạnh mềm của khoảng 6 triệu người Việt ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ ngày càng được phát huy, cùng với vị thế của đất nước được tăng cường, đã hỗ trợ rất nhiều cho cộng đồng trong phát triển tại nước sở tại; góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Phát biểu chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhận định, đây là lực lượng được tiếp cận với xu hướng, xu thế của thế giới, giữ các chức vụ trong hệ thống cơ quan chính quyền sở tại, có người là doanh nhân thành đạt....
“Đây là những người có thể tư vấn, xây dựng chính sách, đề xuất ra những nội hàm cho Việt Nam khi tham gia vào các xu hướng phát triển kinh tế của thế giới”, Thứ trưởng nói.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới

Trong khi đó, về nguồn lực vật chất, kiều bào tiếp tục có nhiều hoạt động hướng về quê hương, phát huy vai trò là nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, dòng kiều hối được duy trì đều trong nhiều năm qua và Việt Nam luôn ở top 10 nước nhận được lượng kiều hối lớn nhất.
Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Đây là số lượng rất lớn, rất quý” và cho hay, dòng tiền này khi về nước được đầu tư dự án, bất động sản, kinh doanh sản xuất.
Đã rõ số liệu mới nhất về GDP bình quân đầu người của Việt Nam 2023
Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó chủ nhiệm Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, phức tạp, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục vươn lên vượt khó và có nhiều đóng góp cho đất nước.
Ông Đông cũng dự báo, lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong những ngày cuối năm 2023 tăng mạnh và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sát Tết Nguyên đán.
Trong đó, tiêu biểu, số lượng kiều hối cao nhất là ở TP. Hồ Chí Minh. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, lượng kiều hối về thành phố trong năm 2023 ước đạt gần 9 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2022. Đây là mức kiều hối cao nhất từ trước đến nay.
Nếu so sánh với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm qua của TP.HCM đạt 3,4 tỷ USD thì nguồn kiều hối chuyển về nước cao gần gấp 3 lần.
Lượng kiều hối tại TP.HCM các năm qua chiếm khoảng 55 - 60% tổng lượng kiều hối cả nước.
Đặc biệt, theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lượng kiều hối năm 2023 sẽ tăng từ 25-30% so với năm 2022.

Kiều hối đổ về Việt Nam có thể vượt dự báo của WB

Kiều hối luôn được đánh giá là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung - cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối đổ về mạnh mẽ, được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định là điểm sáng của Việt Nam.
Thống kê của các tổ chức quốc tế cũng cho thấy, dù chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu, dòng kiều hối về Việt Nam có năm cũng bị sụt giảm theo xu hướng chung của các nước, nhưng vẫn duy trì vị trí trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong top 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo hồi tháng 8/2023 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) nêu dự báo, nguồn kiều hối về Việt Nam có thể đạt 14 tỷ USD trong năm 2023.
WB cảnh báo Việt Nam cảnh giác về một điểm yếu
Đây là một yếu tố quan trọng góp phần hỗ trợ tài khoản vãng lai của Việt Nam năm qua thặng dư. Với lượng kiều hối đổ về TP.HCM đạt gần 9 tỷ USD, theo nhiều chuyên gia, khả năng số kiều hối chung của cả nước có thể vượt qua mức dự báo của World Bank.
Thương hiệu và Công luận dẫn ý kiến của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng gia tăng, trong đó năm 2022 tăng rất mạnh.
“Năm 2023, kinh tế toàn cầu đều khó khăn nên dòng tiền của người Việt về có sụt giảm là chuyện bình thường, nhưng ở mức 14 - 15 tỷ USD là rất cao”, chuyên gia khẳng định đây là nguồn vốn lớn bổ sung vào đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Theo ông, dòng tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình để chi tiêu, xây dựng, mua nhà cửa… là chính. Điều này đã đóng góp lớn vào việc đảm bảo đời sống của nhiều gia đình, hỗ trợ an sinh xã hội trong nước.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhìn nhận, kiều hối gửi về cho người thân không vào tiêu dùng thì cũng vào đầu tư, chủ yếu là bất động sản. Tuy nhiên, mỗi dòng tiền đều có mục đích, vai trò của nó.
“Chẳng hạn, vốn FDI thì chảy vào hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh. Kiều hối thì có thể thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư trong nước tăng”, ông nói.
Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hằng năm, Mỹ là quốc gia dẫn đầu do có số lượng người Việt nhập cư và sinh sống nhiều nhất; tiếp đó là Anh, Úc, Canada.
Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Đặc biệt, tại một số thị trường như Nhật Bản, số lao động người Việt chiếm tỷ lệ lớn nhất theo quốc tịch.
Thông tin được Vietjo và Nikkei của Nhật Bản đăng tải tuần qua cho thấy, lao động người Việt Nam tại Nhật Bản tăng 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái lên 462.384 người, chiếm 25,4% tổng số lao động nước ngoài.
Phương Tây đặt niềm tin vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Đặc biệt, các công ty Nhật Bản đánh giá rất cao lao động người Việt bởi tính cách trung thực, tinh thần cố gắng trong công việc cũng như thái độ hòa đồng với đồng nghiệp.
“Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng các bạn có thể tiếp tục sang Nhật Bản làm việc”, tạp chí Tài chính dẫn lời ông Shinohara Ryota, Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Sản xuất chế tạo, Bộ Kinh tế Nhật Bản chia sẻ.

Chính sách khuyến khích kiều hối

Cũng theo cơ quan của Bộ Tài chính, nhiều năm qua, Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về quê đầu tư kinh doanh cũng như muốn chuyển tiền đầu tư hay hỗ trợ người thân.
Điển hình như việc Việt Nam tiếp tục có những phản hồi, hỗ trợ cho kiều bào ở nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước, các thủ tục liên quan đến kiều bào, kiều hối đều thông thoáng hơn.
Trong nước, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) cho phép bà con Việt kiều được đầu tư, kinh doanh bất động sản như công dân trong nước.
Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (quốc tịch Việt Nam) có quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước.
Như vậy, Việt kiều sẽ được đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua. Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật mà không gặp trở ngại.
Thảo luận