“Liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống, việc Mỹ tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraina là một lý do nữa khiến Biden có thể gặp phải những vấn đề chính trị”, - ông Wilayto, thành viên sáng lập nhóm hoạt động nhân quyền “Người bảo vệ tự do, công lý và bình đẳng (Defenders for Freedom, Justice & Equality) ở Virginia nhận xét.
Ông nhắc lại rằng theo các cuộc thăm dò gần đây, đa số cử tri ủng hộ quốc hội Mỹ trong việc không chấp thuận đề nghị cấp thêm tài trợ cho Ukraina, trong khi vào tháng 2/2022, khi Nga vừa triển khai chiến dịch quân sự, có tới hơn hai phần ba số người Mỹ được hỏi ý kiến ủng hộ viện trợ thêm cho Kiev.
“Từ đó đến nay sự hỗ trợ này chỉ giảm đi”, - nhà hoạt động nhân quyền nói thêm.
Wilayto, người đồng thời cũng là điều phối viên của phong trào Chiến dịch đoàn kết Odessa (Odessa Solidarity Campaign), lưu ý rằng cuộc xung đột không diễn ra theo cách Ukraina mong muốn, còn cuộc tấn công hồi mùa hè được trông đợi từ lâu đã không đạt được mục tiêu đề ra.
“Bây giờ, khi mùa đông đang đến, triển vọng càng trở nên mờ mịt hơn”, - ông nói.
Nhà hoạt động nhân quyền đã so sánh tình hình hiện tại ở Ukraina với cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
“Nhân dân Mỹ ủng hộ cuộc chiến kéo dài ở đó một cách tương đối nghiêm túc cho đến năm 1968, khi nhiều người Mỹ nhận ra rằng chiến thắng khó có thể xảy ra”, - ông nhớ lại.
Theo Wilayto, hầu hết người Mỹ không biết nhiều về Ukraina hay Nga, nhưng lại hiểu rất rõ nỗi mệt mỏi với những cuộc chiến tranh bất tận.
“Khi Mỹ mới chỉ gửi tiền chứ không phải binh lính sang dó, thì đối với người dân Mỹ đây vẫn là một chuyện khó chịu nữa, tuy nhiên việc này không ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Dẫu vậy hiện nay đối với ý tưởng liên tục gửi tiền cho Ukraina họ ít ủng hộ hơn", - ông nói.
Một nhà hoạt động nhân quyền khác của Mỹ, ông Rick Sterling thuộc Liên minh phản chiến quốc gia thống nhất (United National Anti War Coalition, UNAC) nhấn mạnh rằng ngày càng có nhiều người Mỹ hoài nghi trước những tuyên bố về tính đạo đức trong việc Mỹ hỗ trợ Ukraina. Ông cho rằng tâm lý như vậy đã gia tăng kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột ở Gaza mà ông gọi là cuộc diệt chủng của Israel đối với người Palestine.
“Sự nổi tiếng của Biden đang giảm sút và trong một số giới ông ấy bị gọi là “Joe diệt chủng”. Nhiều người Mỹ không hiểu tại sao Hoa Kỳ lại gửi nhiều tiền đến như vậy cho các chính phủ nước ngoài, trong khi cơ sở hạ tầng trong nước đang xuống cấp”, - ông nói.
Sterling nhấn mạnh rằng theo các cuộc thăm dò gần đây, hơn một nửa số người Mỹ cho rằng Washington đang làm "quá nhiều" trong việc hỗ trợ Ukraina. Các cuộc thăm dò dư luận, cụ thể là của Trung tâm nghiên cứu Pew, cho thấy có gần một nửa số người Mỹ được khảo sát ý kiến tỏ ra thất vọng với các chính sách của Biden liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraina.