Lãnh đạo Uỷ ban Thương mại quốc tế EP cũng khẳng định, EVFTA đã thành công cả về “chính trị và kinh tế” với cả Việt Nam và châu Âu, góp phần giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng mà nhiều thành viên EU phải mơ ước.
Việt Nam là điểm đến ổn định trong thế giới bất ổn
Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP) đã có chuyến thăm Việt Nam.
Trong chuyến công tác đến Việt Nam lần này, đại diện lãnh đạo EP gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam nhằm bàn về quá trình triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Trả lời báo chí hôm 18/1 tại Hà Nội, nghị sĩ Lange khẳng định: “Hiệp định EVFTA thực sự là câu chuyện thành công”.
Bất chấp Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) chưa được phê duyệt nhưng Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu chỉ ra rằng, đầu tư lớn từ EU đang đến với Việt Nam.
Ông Bernd Lange nhấn mạnh: “Việt Nam trở thành điểm đến ổn định trong một thế giới bất ổn”.
Người đứng đầu Uỷ ban Thương mại Quốc tế EP bày tỏ, sau 3 năm thực hiện EVFTA, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU tăng trưởng khoảng 20%.
Chiều 17/1/2024, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu Bernd Lange đang thăm và làm việc tại Việt Nam
© Ảnh : TTXVN - An Văn Đăng
Có tới 71% dòng thuế đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang EU và 65% dòng thuế đối với hàng hoá EU xuất sang Việt Nam đã được xoá bỏ.
Thêm vào đó, trong quá trình triển khai EVFTA, các cam kết nghĩa vụ đang được thực hiện ở cả hai bên.
“Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận với phía Việt Nam về việc cần đạt được những tiến bộ hơn nữa trong quá trình triển khai hiệp định”, - ông nói.
Theo nghị sĩ Lange, quá trình phê chuẩn giấy phép lưu hành thuốc tại thị trường Việt Nam cần thuận lợi hơn, thủ tục hành chính cần được cải thiện để tăng tốc quá trình xử lý hồ sơ xuất nhập khẩu.
Hai bên cần lưu tâm những khía cạnh khác của Hiệp định, như đảm bảo lợi ích cho người lao động.
“EVFTA và những hiệp định khác giữa EU với Việt Nam là những cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai bên, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, phức tạp, sự đối đầu và chủ nghĩa bảo hộ vẫn đang hiện hữu”, - Chủ tịch Uỷ ban Thương mại quốc tế của EP lưu ý.
Lãnh đạo EU quan tâm tới Việt Nam
Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư, nhà đầu tư lớn thứ 6 và là đối tác viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam.
Trong khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia châu Á có quan hệ toàn diện nhất với EU, là nước ASEAN duy nhất có tất cả các trụ cột hợp tác với EU. Các nhà đầu tư châu Âu cũng tìm đến Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về rào cản đối với Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), khi còn một số quốc gia thành viên EU chưa phê chuẩn hiệp định này, Nghị sĩ Lange bày tỏ, trở ngại hiện nay đối với đầu tư chủ yếu liên quan thủ tục hành chính, quản lý và cấp phép dự án, trong đó có các dự án điện gió.
Ông cho biết, trong cuộc họp định kỳ với các bộ trưởng thương mại EU tuần tới, ông sẽ nêu với họ vấn đề phê chuẩn EVIPA.
Chiều 18/1/2024, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange
© Ảnh : TTXVN - An Văn Đăng
Nghị sĩ Lange đánh giá, ASEAN hiện nay là trung tâm kinh tế với tốc độ phát triển rất nhanh.
Trong khi đó, Việt Nam đang là nước dẫn đầu về tăng trưởng trong khu vực, cả về mặt kinh tế cũng như địa chính trị đều có vai trò quan trọng.
“Các nhà lãnh đạo của EU đều dành sự quan tâm tới Việt Nam và đối thoại giữa EU và Việt Nam vẫn được tăng cường”, - ông Lange cho biết.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23-24/01, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo.
“Cùng với đó, Việt Nam đã có một câu chuyện thành công 40 năm qua trong việc mở cửa và thay đổi mô hình phát triển kinh tế, thể hiện sự năng động trong quá trình phát triển của mình”, - nghị sĩ Lange khẳng định.
Việt Nam đạt mức tăng trưởng đáng mơ ước với nhiều thành viên EU
Hôm qua 18/1, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange cũng đã gặp Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Tại cuộc tiếp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, EU là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đánh giá cao những kết quả tích cực trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU cũng như giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.
Ông mong EU và các nước thành viên tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực trong ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng xanh nhằm giúp Việt Nam hướng tới việc hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và thúc đẩy phát triển xanh, bền vững.
Đại diện lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng muốn thông qua nghị sĩ Bernd Lange, với vai trò và uy tín của mình, có tiếng nói quan trọng thúc đẩy 10 nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), qua đó đẩy mạnh quan hệ đầu tư bình đẳng, cùng có lợi giữa hai bên.
Chiều 18/1/2024, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange đang thăm và làm việc tại Việt Nam
© Ảnh : TTXVN - An Văn Đăng
Cũng thông qua ông Bernd Lange, Việt Nam mong EC sớm gỡ thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong chống đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Phát biểu với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange đánh giá EVFTA thành công cả về “chính trị và kinh tế” đối với cả hai bên, góp phần giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng "đáng mơ ước với nhiều thành viên EU".
“Việt Nam và EU có mối quan hệ ổn định, đáng tin cậy và hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, với nhiều hiệp định được ký kết, vì thế hai bên cần hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy mối quan hệ này tiếp tục phát triển sâu rộng hơn nữa trong tương lai”, - Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange nhấn mạnh.