Việc báo cáo này, theo cơ quan quản lý, nhằm giúp họ nắm thực trạng thực tế việc tuân thủ của doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu báo cáo hiện trạng, việc duy trì và đáp ứng điều kiện về giấy phép kinh doanh xăng dầu, theo các nghị định kinh doanh mặt hàng này (Nghị định 83/2024, Nghị định 95/2022 và Nghị định 80 vào tháng 11/2023).
Cụ thể, các doanh nghiệp đầu mối phải kê khai về điều kiện cầu cảng thuộc sở hữu hoặc thuê, khả năng tiếp nhận tàu chở xăng dầu; kho tiếp nhận xăng dầu và phương tiện vận chuyển. Các đầu mối cũng phải báo cáo hệ thống phân phối, như số lượng cửa hàng thuộc sở hữu, thuê (từ 5 năm trở lên); đại lý, tổng đại lý và thương nhân nhượng quyền trực thuộc hệ thống của mình.
Ngoài ra, các thương nhân phân phối thì báo cáo về cửa hàng (sở hữu, thuê), đại lý bán lẻ, cửa hàng trực thuộc đơn vị nhận nhượng quyền. Các báo cáo này gửi về Bộ Công Thương trước 30/1.
Trước đó, ngày 4/1/2024, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Kết luận thanh tra cho thấy tại thời điểm thanh tra, cả nước có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu, 341 thương nhân phân phối xăng dầu, 18 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, 312 đại lý, 17.449 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Trong hơn 5 năm (từ 1/1/2017 - 30/6/2022), Bộ Công Thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.
Tuy nhiên, thực tế sau khi được cấp phép, nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng dầu. Trong gần 3 năm, việc đầu tư kho xăng dầu thương mại của các doanh nghiệp đầu mối chỉ đạt 15% theo quy hoạch.
Các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận. Nhiều đầu mối, thương nhân phân phối chỉ thuê kho, bể chứa xăng dầu theo mùa vụ để giảm chi phí, qua mặt cơ quan quản lý. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường.
Thanh tra Chính phủ xác định đây là một trong những nguyên nhân trong khâu cấp phép, ảnh hưởng tới nguồn cung thị trường.
Sau khi một số đơn vị bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép do sai phạm, hiện thị trường còn 34 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu (không gồm đơn vị kinh doanh nhiên liệu hàng không) và khoảng 300 thương nhân phân phối.
Bộ Tài chính hôm 19/1 cho biết, gần 1/3 đầu mối xăng dầu đang nợ thuế hàng nghìn tỷ đồng, khó thu hồi.