Có rất nhiều người Nhật Bản thực sự cần sự giúp đỡ
Cách đây vài ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, bà Yoko Kamikawa, đã đến thăm Ukraina. Tại cuộc gặp với Tổng thống Zelensky, bà Yoko Kamikawa đã công bố quyết định của chính phủ Nhật Bản phân bổ 37 triệu USD để mua thiết bị quân sự nhằm hỗ trợ cuộc chiến của chế độ Kiev. Một tháng trước đó, đích thân Thủ tướng Fumio Kishida hứa sẽ hỗ trợ Ukraina với số tiền 4,5 tỷ USD, nhưng tin tức này không được người dân Nhật Bản đón nhận, đặc biệt là trong bối cảnh trận động đất kinh hoàng xảy ra ngày 1 tháng 1 đã cướp đi sinh mạng hơn 200 người.
Một trong những người đăng ký kênh báo chí Jiji đã viết trong bài đăng của mình:
“Đây hoàn toàn là sự điên rồ và ngu ngốc. Tại sao Nhật Bản muốn chi 37 triệu USD cho một cuộc chiến không liên quan đến Nhật Bản? Hãy nhìn trận động đất thảm khốc, người già, trẻ em. Viện trợ của chính phủ trị giá 37 triệu USD nên được gửi đến người Nhật Bản càng sớm càng tốt, chứ không phải cho chế độ Kiev.”
Ngày nay, so với tháng 2 năm 2022, thái độ của người dân Nhật Bản đối với các sự kiện ở Ukraina đã thay đổi rõ rệt, họ không tin rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc và sẽ kết thúc với chiến thắng của Kiev. 30% dân số Nhật Bản ngày nay không ủng hộ chính sách của nội các Kishida đối với Ukraina, một năm trước số người không hài lòng chiếm 50%.
Nhật Bản mất gì vì quan điểm của mình về Ukraina
Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên tham gia lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga của Mỹ. Trong bài phát biểu công khai của mình, Thủ tướng Kishida là một trong những người chỉ trích gay gắt nhất chính sách của Nga ở Ukraina. Tháng 3 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản đích thân đến thăm Kiev và gặp Tổng thống Ukraina. Đồng thời, Kishida chúc Zelensky chiến thắng, điều này khiến một số thành viên quốc hội Nhật Bản bất bình, họ cho rằng người Nhật nên cầu hòa bình cho Ukraina chứ không phải chúc chiến thắng. Nhưng Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền muốn tham gia vào cuộc chiến ở Ukraina, vì điều này giúp tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nhật Bản phát triển.
Moskva nhìn nhận hành động thù địch của Tokyo một cách tiêu cực và thực hiện các biện pháp trả đũa gây tổn hại đến lợi ích của người dân Nhật Bản cũng như uy tín của chính phủ Nhật Bản. Phía Nga từ chối tiếp tục đàm phán ký hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, hủy chế độ thị thực đặc biệt ưu đãi cho công dân Nhật Bản đến thăm các đảo thuộc quần đảo Nam Kuril, đình chỉ một số thỏa thuận liên chính phủ với Nhật Bản về hợp tác trong lĩnh vực đánh bắt hải sản ngoài khơi bờ biển nước Nga. Nhiều ngư dân Nhật Bản không đánh bắt được.
Chính quyền Nga áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vô thời hạn vào Nga đối với hơn 60 chính trị gia nổi tiếng của Nhật Bản, trong đó có ông Fumio Kishida. Biện pháp cấm tương tự cũng được áp dụng đối với 384 thành viên Hạ viện Nhật Bản có "lập trường công khai không thân thiện" đối với Nga.
Những cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa các nhân vật chính trị Nhật Bản và Zelensky không gây ra phản ứng tích cực từ chính phủ Nga. Không còn nghi ngờ gì nữa, mọi cuộc gặp của chính khách nước thứ ba với Zelensky trong điều kiện hiện tại đều cần được coi là ủng hộ đường lối của Hoa Kỳ và các nước NATO trong vấn đề Ukraina.
Giờ đây, với tư cách là người đứng đầu chính phủ, ông Kishida đang phải đối mặt với sự chỉ trích nghiêm trọng từ các đảng viên của mình về một số vấn đề, và chi tiêu ngân sách (tiền giúp Ukraina được lấy từ ngân sách nhà nước) cũng nằm trong danh sách khiếu nại này. Một blogger Nhật Bản viết rằng việc tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraina “rõ ràng gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Nhật Bản”.
Theo tin đồn, bà Yoko Kamikawa có thể sẽ trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản. Nhưng khi đó, cơ hội cải thiện quan hệ Nga-Nhật sẽ càng ít đi.