Đức muốn bắt tay Việt Nam chặt hơn khi chuyển hướng khỏi Trung Quốc

Việt Nam đón Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier chiều nay với 21 phát đại bác chào mừng.
Sputnik
TTXVN dẫn lời Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên phát triển quan hệ với Đức.
Trong khi đó, báo chí Đức hé lộ, chuyến công du Hà Nội của ông Steinmeier cho thấy sự quan tâm của chính quyền Đức trong việc hướng ra ngoài Trung Quốc và đa dạng hóa quan hệ kinh tế với trung tâm sản xuất của Đông Nam Á như Việt Nam.

Việt Nam bắn 21 phát đại bác đón Tổng thống Đức

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank- Walter Steinmeier và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 24/1.
Chiều nay, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cùng làm lễ chào cờ thiêng liêng trong tiếng âm vang từ 21 phát đại bác khai hoả ở Hoàng thành Thăng Long.
Tại Việt Nam đây là nghi thức chào đón trang trọng nhất trong nghi lễ đối ngoại của Hà Nội.
Chuyến công du của ông Steinmeier đến Hà Nội là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Đức tới Việt Nam trong 17 năm qua và cũng là chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam đầu tiên của nguyên thủ một nước châu Âu trong năm 2024. Ông Steinmeier trước đó từng tới Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Đức.
Sau Lễ đón trọng thể, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hội đàm với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Tại hội đàm, Tổng thống Đức đã cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier
Ông Steinmeier bày tỏ ấn tượng về sự phát triển kinh tế - xã hội năng động của Việt Nam. Theo thông cáo được VOV và VTV phát đi sau hội đàm, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh trong gần 50 năm qua, sự gắn kết chặt chẽ và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước không ngừng được củng cố phát triển.
Tổng thống Đức cũng khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, chuyển đổi năng lượng, lao động và dạy nghề mà Đức có thế mạnh.
Báo chí Đức đưa tin đậm nét về chuyến thăm Việt Nam của ông Steinmeier. Trong đó cho biết, Berlin đang tìm cách thúc đẩy chiến lược giảm thiểu rủi ro, hướng ra khỏi Trung Quốc và phái đoàn Đức nỗ lực tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh tại Việt Nam – trung tâm sản xuất mới.
“Chuyến thăm nhấn mạnh sự quan tâm của Đức trong việc hướng ra ngoài Trung Quốc và đa dạng hóa quan hệ kinh tế”, - TTXVN dẫn lời Florian Feyerabend, đại diện tại Việt Nam của Quỹ Konrad Adenauer, tổ chức tư vấn Đức bình luận về chuyến thăm của ông Steinmeier.

Đối tác tin cậy

Phát biểu với Tổng thống Đức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên phát triển quan hệ với Đức.
Trong không khí tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Frank-Walter Steinmeier bày tỏ hài lòng về những phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam – Đức trong gần 5 thập kỷ qua, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố thông qua trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương.
Nhiều năm qua, Đức luôn là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu và Việt Nam hiện là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á.
Kim ngạch hai nước năm 2023 đạt xấp xỉ 12 tỷ USD, tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua. Đức là nhà đầu tư lớn thứ tư trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier
Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương gồm Đối thoại chiến lược, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, Tham vấn Chính phủ về Hợp tác phát triển, Đối thoại về Nhà nước pháp quyền, phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam – Đức giai đoạn 2023 - 2025.
Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy hợp tác hai nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là Đại học Việt Đức, dự án biểu tượng của quan hệ hai nước, đang vận hành hiệu quả.
Tổng thống Frank-Walter Steinmeier mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để Trường Đại học Việt – Đức phát triển thành công, nhất là thu hút ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Đức tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, ủng hộ Trường Đại học Việt Đức mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Về kinh tế, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tạo thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau.
“Việt Nam là đối tác kinh tế tin cậy, mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Việt Nam, nhất là về đầu tư”, - VOV dẫn phát biểu của Tổng thống Đức khẳng định.
Về phần mình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Đức sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) và thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản của Việt Nam.
Ông cũng đề nghị Đức tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường và đào tạo nghề.
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier khẳng định Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, chuyên gia, tài chính trong triển khai khuôn khổ JETP nhằm góp phần thực hiện các cam kết giảm khí phát thải về 0 đến năm 2050 mà Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP26.
Đáng chú ý, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh – quốc phòng, khoa học - công nghệ, tư pháp, nông nghiệp.
Tổng thống Đức thăm Việt Nam
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức vào năm 2025.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn Đức tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở Đức sinh sống ổn định, tiếp tục là cầu nối, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị hai nước.
Đáp lại, Tổng thống Đức cho rằng, cộng đồng 200.000 người Việt Nam tại Đức hội nhập thành công, đóng góp tích cực cho xã hội sở tại.
Việt Nam và Đức nhất trí phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và đa phương như khuôn khổ hợp tác ASEAN - Đức, ASEAN – EU, Liên hợp quốc.
Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), ủng hộ tiến trình đàm phán COC thực chất, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.

Việt Nam là đối tác thân thiết mà Đức coi trọng

Sau Hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Đức đã cùng chứng kiến ký Thỏa thuận hợp tác về lao động di cư giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động và Xã hội Liên bang Đức, chủ trì họp báo thông tin kết quả Hội đàm.
Phát biểu tại cuộc họp báo thông tin về kết quả hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh:
“Những điều tốt đẹp chúng tôi đã thống nhất cần những hành động tích cực, cụ thể với thái độ trách nhiệm cao để hiện thực hóa. Chúng tôi sẽ cùng hành động vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới”.
Tổng thống Đức thì bày vui mừng trở lại thăm Việt Nam, một đối tác thân thiết mà Đức coi trọng.
Báo Đức đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm Việt Nam của ông Scholz
Với một đoàn doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống sang thăm Việt Nam lần này, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tin tưởng sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam.
Được biết, cùng đến Hà Nội với Tổng thống Steinmeier có Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil và một phái đoàn gồm các lãnh đạo doanh nghiệp từ các công ty công nghiệp hàng đầu của Đức.
Báo chí Đức nêu bật chuyến thăm của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tới Việt Nam ngày trong khi Berlin đang tìm cách thúc đẩy chiến lược "giảm thiểu rủi ro" với Trung Quốc.
Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Đến năm 2011, hai bên đưa quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược.
Thảo luận