Việt Nam dự kiến nối ray đường sắt với Trung Quốc từ 2025

Ngành đường sắt Việt Nam và Trung Quốc đang phối hợp làm việc nhằm thống nhất điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm giữa hai bên tại Lào Cai. Việc nối ray dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2025.
Sputnik
Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc trước đó đã được đề xuất đầu tư giai đoạn 2021 – 2025. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 2.206 tỷ đồng.

Đường sắt Việt Nam - Trung Quốc sẽ nối ray từ năm 2025

Báo Thanh niên đưa tin, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đang làm việc với Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc nhằm thống nhất điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm giữa hai bên tại Lào Cai.
Cụ thể, ngành đường sắt hai nước sẽ thúc đẩy xây dựng thỏa thuận liên Chính phủ về phương án, điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Đây sẽ là cơ sở để triển khai xây dựng đoạn tuyến này vào năm 2025, sẵn sàng chuẩn bị cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn, hiện đang được tiến hành chuẩn bị đầu tư.
Trung Quốc muốn tham gia xây đường sắt tốc độ cao của Việt Nam
Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc trước đó đã được đề xuất đầu tư giai đoạn 2021 – 2025. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng hơn 2.206 tỷ đồng.
Dự án sẽ xây dựng đường sắt khổ lồng (1.000 mm và 1.435 mm) với điểm đầu tại ga Lào Cai (Km294+775) trên tuyến đường sắt khổ 1.000 mm hiện có của đường sắt Việt Nam. Điểm cuối dự án là điểm chính giữa của cầu Hồ Kiều (Trung Quốc) mới. Dự án cũng sẽ xây dựng mới 2,85 km tuyến đường lồng từ đầu bắc ga Lào Cai đến điểm giữa cầu Hồ Kiều.
Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm đầu tư kinh phí xây dựng đường sắt khổ lồng từ ga Hà Khẩu Bắc đến cầu Hồ Kiều mới nhằm nối ray với đường sắt Việt Nam.

Thúc đẩy các dự án đường sắt qua biên giới Việt – Trung

Trước đó, dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã được Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Công tác này hiện vẫn đang được Ban triển khai.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, hai bên đã trao đổi về nội dung hỗ trợ nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và lập quy hoạch các tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đầu tư đường sắt cao tốc Bắc-Nam
Hai bên cũng đã trao đổi về việc phối hợp sửa đổi Hiệp định Đường sắt biên giới Việt – Trung, thay thế cho Hiệp định Đường sắt biên giới ký giữa Bộ Giao thông Vận tải & Bưu điện Việt Nam và Bộ Đường sắt Trung Quốc năm 1992.
Điều này nhằm mục tiêu tách bạch quản lý nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp vận tải trong hoạt động vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt; tăng cường chia sẻ thông tin về cơ cấu tổ chức và chức năng của các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp đường sắt của Việt Nam, phối hợp cùng nhau nghiên cứu điều chỉnh dự thảo hiệp định cho phù hợp với cơ cấu tổ chức đường sắt của hai nước Việt – Trung.
Thảo luận