Thứ trưởng Mỹ sang Việt Nam, đề nghị hợp tác về bán dẫn

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez cho biết, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia trên thế giới nhận tiền hỗ trợ trực tiếp từ Quỹ An ninh Công nghệ Quốc tế và Đổi mới (ITSI Fund).
Sputnik
Số tiền hỗ trợ sẽ nhằm phát triển nguồn nhân lực làm việc trong ngành bán dẫn cho Việt Nam, giúp cải thiện môi trường làm việc cho người lao động ngành bán dẫn.

Doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư 8 tỷ USD vào năng lượng sạch Việt Nam

Báo PLO đưa tin, tại buổi tiếp xúc với báo chí ngày 26/1, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường Jose Fernandez đã chia sẻ về định hướng hợp tác với Việt Nam trong 2 lĩnh vực chip bán dẫn và năng lượng sạch.
Theo đó, ông Jose Fernandez nêu bật mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ Việt – Mỹ, đặc biệt là sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9/2023, với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Nhà ngoại giao Mỹ đặc biệt đánh giá cao sự phát triển và tiềm năng của quan hệ Việt – Mỹ, không chỉ về kinh tế mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, trong khi ở chiều ngược lại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
"Quan hệ giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển, nó không chỉ dừng lại trong lĩnh vực kinh tế mà còn là quan hệ giữa người dân hai nước", - báo PLO dẫn lời ông Jose Fernandez.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường cơ hội thương mại, thúc đẩy năng lượng sạch, hợp tác chuỗi cung ứng và chip bán dẫn, đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Việt Nam.
"Trong các cuộc trao đổi với đại diện chính phủ và bộ ban ngành Việt Nam, chúng tôi đã bàn về vấn đề hợp tác về lĩnh vực bán dẫn, năng lượng sạch và khoáng sản thiết yếu", - ông Fernandez nói.
Theo ông, sự tăng trưởng giao thương, thương mại giữa hai đất nước đã chứng minh cho mối quan hệ ngày càng tốt đẹp của hai nước. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt – Mỹ đạt hơn 138 tỷ USD.
Trên chặng đường phát triển, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã đóng vai trò vô cùng quan trọng rong mục tiêu gia tăng hoạt động hợp tác trao đổi kinh tế thương mại hai bên.
"Hơn 30 năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư hàng tỉ USD vào Việt Nam, được coi là những đại sứ ảnh hưởng quan trọng, mang đến không chỉ công nghệ mà còn là kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp và cơ hội việc làm chất lượng cao", - nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Chuyên gia Mỹ “mách nước” Việt Nam về phát triển công nghiệp bán dẫn
Trong vấn đề chuyển đổi năng lượng sạch và khoáng sản thiết yếu, ông Jose Fernandez đánh giá cao cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng. Qua trao đổi, có 15 doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD vào Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch. Ông cũng đề nghị Việt Nam tiếp tục tháo gỡ các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý.
Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Fernandez cho biết thông qua Sáng kiến Nhu cầu năng lượng sạch (CEDI), Hoa Kỳ đã kết nối các quốc gia và công ty cam kết sử dụng năng lượng tái tạo.
Kể từ khi ra mắt CEDI tại COP26 mấy năm trước, Liên minh Người mua năng lượng sạch đã hợp tác với 15 công ty tại Việt Nam. Đây là tín hiệu gợi mở về kế hoạch đầu tư 8 tỷ USD vào hạ tầng năng lượng sạch tại đây.

Mỹ sẵn sàng hợp tác đào tạo lao động ngành bán dẫn

Theo ông Fernandez, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng thực sự là một xu thế không thể đảo ngược, không chỉ với ngành bán dẫn mà còn cả trong lĩnh vực y tế hay khoáng chất thiết yếu.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đang rốt ráo thiếp lập mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng các sản phẩm bán dẫn. Đạo luật chip và khoa học (Chips and Science Act) được thông qua năm ngoái cho thấy cam kết của Mỹ đầu tư hơn 50 tỷ USD hỗ trợ đưa các nhà máy sản xuất chip vào thị trường này, bao gồm Quỹ An ninh Công nghệ Quốc tế và Đổi mới (ITSI Fund).
Mỹ cũng có kế hoạch đầu tư 500 triệu USD để ổn định và mở rộng sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn, cũng như phát triển và triển khai công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) an toàn và đáng tin cậy.
Mỹ tìm đến Việt Nam để giải cơn khát nhân lực ngành chip bán dẫn
Ông Fernandez cho biết thêm, Việt Nam là một trong bảy quốc gia trên thế giới nhận nguồn tiền hỗ trợ trực tiếp từ quỹ này. Số tiền hỗ trợ sẽ nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn cho Việt Nam, giúp cải thiện môi trường làm việc cho người lao động ngành bán dẫn.
Nhà ngoại giao Mỹ phân tích, một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu gặp phải trong nỗ lực mở rộng chuỗi cung ứng các sản phẩm bán dẫn là do thiếu hụt nguồn nhân lực có đủ kỹ năng tay nghề phù hợp.
Ông Fernandez bày tỏ ủng hộ mục tiêu của Việt Nam với việc đào tạo khoảng 50.000 – 100.000 kỹ sư ngành bán dẫn trong các năm tới. Có doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào ngành bán dẫn tại Việt Nam nhưng lo ngại không tìm được đủ nhân lực đạt chuẩn.
Theo ông, vấn đề thiếu nhân lực ngành bán dẫn không chỉ của riêng Việt Nam mà ngay cả nước Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác cũng đang phải đối mặt.
Ông Fernandez cho hay, trong khoảng 1 đến 2 tháng tới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ công bố báo cáo chi tiết về ngành bán dẫn, với nội dung cụ thể về việc hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành này.
Thảo luận