Thiền sư Nhất Hạnh là nhân vật Phật giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, một trong những người tiên phong mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây.
Lễ rước xá lợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh trên đồi Dương Xuân
Báo Dân trí đưa tin, sáng 29/1, đông đảo tăng ni, phật tử trong nước và phật tử quốc tế đã tập trung về tham dự nghi lễ rước xá lợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Tổ đình Từ Hiếu, nằm trên đồi Dương Xuân (phường Thủy Xuân, TP. Huế).
Nghi lễ rước xá lợi là một trong những lễ chính nhân đại tường, tưởng niệm 2 năm ngày sư ông Làng Mai viên tịch, với nhiều hoạt động được tổ chức ở Tổ đình Từ Hiếu những ngày qua.
Từ sáng sớm, chư tăng ni, phật tử đã cùng nhau xếp hàng dài từ thiền đường Trăng Rằm qua đến thất Lắng Nghe để tham dự nghi lễ với hình thức "tâm tang". Bắt đầu từ 9h15, đông đảo tăng ni tổ chức cung nghênh xá lợi cố thiền sư Thích Nhất Hạnh từ thiền đường Trăng Rằm sang thất Lắng Nghe.
Trong thiền đường Trăng Rằm, sau khi thực hiện các nghi thức, đoàn các tăng ni đã cung thỉnh, rước xá lợi thiền sư khỏi thiền đường, ngang qua chùa Tổ, theo lối nhỏ dưới bóng cây xanh trước khi an vị tại thất Lắng Nghe, cũng là nơi mà vị "thạch trụ tùng lâm" của Phật giáo Việt Nam an dưỡng sau khi quay về nước.
Hàng nghìn Phật tử rước xá lợi thiền sư Thích Nhất Hạnh
Đúng 9h25, hòa thượng Thích Từ Đạo, Giám tự chùa Từ Hiếu cùng thầy Thích Chân Pháp Ấn đã cung nghênh xá lợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ thiền đường Trăng Rằm sang thất Lắng Nghe.
Hàng trăm chư tăng cùng hàng nghìn phật tử đã tham gia lễ rước xá lợi khoảng 400 m quanh khuôn viên chùa Từ Hiếu. Tại nơi đoàn rước đi qua, nhiều phật tử xếp hàng dài hai bên, chấp tay hộ niệm trong bầu không khí "im lặng hùng tráng", hết sức trang nghiêm, nhẹ nhàng.
Xá lợi cố thiền sư được đặt chính giữa thất Lắng Nghe để phật tử chiêm bái. Thất Lắng Nghe là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh an dưỡng sau khi về Tổ đình Từ Hiếu năm 2018, cũng là nơi ngài viên tịch.
Ngoài nghi lễ rước xá lợi, chương trình đại tường của thiền sư Thích Nhất Hạnh còn có rất nhiều hoạt động dành cho tăng thân Làng Mai và phật tử, bao gồm pháp thoại, ngồi thiền, hành thiền, thơ - nhạc thiền, lễ tưởng niệm…
Đặc biệt, sư cô Chân Không, một trong số đại đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã sát cánh cùng cố Thiền sư trong việc thiết lập Làng Mai và tổ chức các khóa tu quốc tế, cũng về Việt Nam tham dự lễ đại tường lần này.
Làng Mai thông báo, lễ đại tường Thiền sư Thích Nhất Hạnh là dịp để tứ chúng cùng trở về bên nhau, cùng thực tập để nuôi dưỡng lòng biết ơn chùa Tổ, biết ơn sư ông. Mỗi phát nguyện hành trì thực tập là một đóa hoa, một nén hương thơm thảo mà những người học trò dâng lên vị Thầy thương kính.
Hàng nghìn Phật tử rước xá lợi thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh - nhân vật Phật giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh ngày 11/10/1926, quê quán ở làng Thành Trung, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Ngài có tên khai sinh là Nguyễn Đình Lang, sau này khi làm lại khai sinh tại Đà Lạt đổi tên thành Nguyễn Xuân Bảo.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch sáng 22/1/2022 tại chùa Từ Hiếu, TP. Huế. Đây là Tổ đình nơi ông xuất gia tu tập từ nhỏ. Thiền sư Nhất Hạnh là nhân vật Phật giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, một trong những người tiên phong mang đạo Bụt (cách mà Thiền sư vẫn gọi đạo Phật), đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây. Ông cũng là người đã góp phần xây dựng cộng đồng Phật giáo dấn thân thế kỷ XXI.
Trước lúc viên tịch, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tâm thư gửi đến chư tăng, nói rõ ý nguyện sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu.
"Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung", - thầy căn dặn các đệ tử.
Tuân theo di nguyện của thiền sư, sau lễ hỏa táng, xá lợi của ngài được chia sẻ đến tất cả các tu viện Làng Mai trên khắp thế giới và Tổ đình Từ Hiếu nơi ngài xuất gia, viên tịch.