Đây là phân tích của nhà nghiên cứu chính trị Zoltan Kiselli của Quỹ Szazadveg Hungary trao đổi với Sputnik.
Trước đó, tờ Financial Times dẫn một tài liệu của EU cho biết Liên minh châu Âu có thể làm suy yếu nền kinh tế Hungary nếu nước này không dỡ bỏ việc phủ quyết liên quan đến khoản viện trợ cấp cho Kiev tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào ngày 1 tháng 2. Trong trường hợp này, những người đứng đầu nhà nước và chính phủ sẽ công khai tuyên bố “hành vi thiếu tính xây dựng” của Thủ tướng Hungary Viktor Orban khiến Budapest không thể rút được số tiền từ các quỹ châu Âu. Chính quyền Hungary cho biết họ “sẽ không khuất phục trước hành vi tống dọa” nói trên.
Theo chuyên gia, “đối với giới tinh hoa theo chủ nghĩa toàn cầu hóa” ở Brussels, điều quan trọng là tại hội nghị thượng đỉnh ngày 1 tháng 2, tất cả 27 quốc gia thành viên đều ủng hộ việc phân bổ tài chính vĩ mô cho Ukraina, bởi vì các khoản tín dụng chung “làm sâu sắc thêm quá trình hội nhập”.
“Vì hiện nay chỉ có Hungary phản đối các khoản tín dụng để kéo dài chiến tranh nên sức ép đối với Budapest ngày càng gia tăng… Hiện nay, theo một bài báo trên tờ Financial Times, họ muốn gây áp lực lên chính phủ Hungary, trong khi nước này cũng có thể dựa vào kết quả cuộc thăm dò dư luận trong nước mới được tiến hành. Theo ý kiến của 99,06% những người trả lời câu hỏi thứ 7, chúng tôi chỉ nên tiếp tục hỗ trợ Ukraina nếu nhận được sự hỗ trợ của EU dành cho chúng tôi”, - ông Kiselli nói.
Ông cũng kể lại rằng tuần trước tờ Politico đã “lừa bịp” khi viết rằng Brussels có thể đẩy nhanh quá trình tước bỏ quyền bầu cử của Hungary trong EU theo Điều 7, vì điều này không thể xảy ra trong thời gian ngắn như vậy và khi Thủ tướng Slovakia Robert Fico sẽ chặn quyết định đó trong một cuộc bỏ phiếu đòi hỏi sự nhất trí.
"Việc đóng băng thật sự số tiền khoảng 27 tỷ euro bị giữ lại là một trò đe dọa nữa từ Brussels và giới tinh hoa theo chủ nghĩa toàn cầu ủng hộ chiến tranh. Trong tình huống pháp lý hiện tại, tôi không thấy điều này có khả năng xảy ra", - chuyên gia phân tích lưu ý.
Đồng thời, ông Kiselli nhấn mạnh rằng “trong hơn một năm rưỡi qua, hầu như không có nguồn vốn nào của EU được cấp cho Hungary, nhưng nền kinh tế của họ không sụp đổ, tỷ giá đồng forint không giảm và sự ủng hộ dành cho các đảng cầm quyền vẫn ở mức cao”.
"Nền kinh tế Hungary đã phát triển đáng kể tính từ năm 2010, với giá trị GDP tăng gấp ba lần (hiện ở mức khoảng 150 tỷ USD) và tỷ lệ đầu tư nước ngoài cao kỷ lục. Sự hỗ trợ của EU chủ yếu đóng vai trò ổn định tỷ giá hối đoái của đồng forint, cũng như trong giai đoạn sau tài trợ đối với các khoản chi trước đây được ngân sách Hungary chu cấp", - người đối thoại của hãng tin nói thêm.