8 cao tốc của Việt Nam được nâng tốc độ tối đa lên 90km/h

Bộ Giao thông Vận tải vừa cho phép nâng tốc độ tối đa 8 tuyến cao tốc 4 làn xe lên 90km/h.
Sputnik
8 tuyến cao tốc được nâng tốc độ tối đa lên 90km/h gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Lào Cai-Kim Thành.

8 tuyến cao tốc được nâng tốc độ tối đa lên 90km/h

Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý nâng tốc độ tối đa từ 80 lên 90 km/h đối với 8 dự án cao tốc 4 làn xe.
Theo TTXVN, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về điều chỉnh nâng tốc độ khai thác đối với đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới có dải phân cách giữa (2 làn mỗi chiều).
Theo đó, có 8 đoạn tuyến cao tốc 4 làn xe hạn chế có thể khai thác với tốc độ tối đa 90km/h thay vì 80km/h như hiện nay với ôtô con, xe khách đến 30 chỗ, xe tải đến 3,5 tấn được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý nâng tốc độ.
8 tuyến này gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Lào Cai-Kim Thành.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư các dự án đường cao tốc phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe có giải phân cách giữa (còn gọi là cao tốc 4 làn xe hạn chế) rà soát các tuyến đường đang quản lý khai thác hoặc khai thác tạm, kiểm tra các yếu tố kỹ thuật đảm bảo đáp ứng đạt vận tốc khai thác 90km/h theo quy định; điều chỉnh tốc độ khai thác trong phương án tổ chức giao thông tuyến, trình Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt.
Từ Hà Nội đi TP.HCM sẽ chỉ mất hơn 5 tiếng nếu chọn đường sắt tốc độ cao 350km/h

Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn chưa đáp ứng yêu cầu

Đối với tuyến cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn dài 15km, Bộ GTVT cho biết, do tuyến có 4 cầu không có dải phân cách cứng liên tục, không đảm bảo chiều dài đoạn tăng tốc theo yêu cầu.
Do đó, trước mắt chưa điều chỉnh tăng tốc độ khai thác cho đến khi tuyến đường được nâng cấp mở rộng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.
Cũng trong văn bản này, Bộ GTVT nêu rõ, trên cơ sở phương án tổ chức giao thông do các chủ đầu tư, đơn vị quan quản lý khai thác lập và trình duyệt, Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt phương án tổ chức giao thông điều chỉnh các dự án đủ điều kiện nâng tốc độ khai thác, chỉ đạo các Khu quản lý đường bộ đang quản lý khai thác các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư hoàn tất thủ tục cần thiết để nâng tốc độ khai thác đáp ứng nhu cầu đi lại.
Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng thực hiện chức năng của Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Giao thông Vận tải đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đang chuẩn bị hoặc đang thực hiện đầu tư trong phạm vi cả nước theo phân công để đảm bảo đồng bộ và thống nhất về tốc độ khai thác.
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng báo cáo cuối năm ngoái, riêng trong năm 2023 cả nước đưa vào khai thác 9 dự án với 475 km cao tốc, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km
Đến nay, Việt Nam đã làm được hơn 1.890 km cao tốc và đưa vào khai thác, sử dụng. Vừa qua, Bộ GTVT cũng cho phép nâng tốc độ tối đa 90 km/h tại các dự án cao tốc 4 làn xe như Tuyên Quang - Phú Thọ, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Việt Nam đồng thời khánh thành 4 công trình giao thông lớn
Trước đó, trong phần trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đang điều chỉnh lại tiêu chuẩn, quy chuẩn cao tốc. Dự kiến trong quý 1/2024 sẽ thay đổi tốc độ một số tuyến cao tốc từ 80km/h lên 90km/h.
Sau đó, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nâng tốc độ lên 90 km/h với các đoạn tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới, có dải phân cách cứng phân chia 2 chiều xe chạy.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã quyết liệt chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các chủ đầu tư khẩn trương đánh giá, hoàn thiện hồ sơ để điều chỉnh tốc độ khai thác tối đa (lên 90km/h) đối với các tuyến cao tốc quy mô 4 làn xe phân kỳ vừa được đưa vào khai thác trong thời gian qua, phấn đấu hoàn thành ngay trước Tết Nguyên đán 2024.
Trong bối cảnh nguồn lực kinh tế còn khó khăn, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến với mặt cắt ngang 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h.
Hiện, một số đoạn tuyến cao tốc đã hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào khai thác với tốc độ tối đa cho phép 80km/h, tốc độ tối thiểu cho phép 60km/h như đoạn Cao Bồ-Mai Sơn, Trung Lương-Mỹ Thuận, Mai Sơn-Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nha Trang-Cam Lâm và Vĩnh Hảo-Phan Thiết.
Năm 2024, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết sẽ nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án và hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án trong năm 2024.
Theo đó, 3 dự án cao tốc do là cơ quan có thẩm quyền/cơ quan chủ quản, gồm: Dầu Giây - Tân Phú, Chợ Mới - Bắc Kạn, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
"Hết ga, hết số" giải ngân vốn đầu tư công
Còn 16 dự án khác gồm đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, Vĩnh Phúc, cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thành hồ sơ để khởi công 11 dự án đường cao tốc liên vùng được phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư, gồm: Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Tân Phú - Bảo Lộc; Bảo Lộc - Liên Khương; Ninh Bình - Hải Phòng; TP HCM - Chơn Thành; Gia Nghĩa - Chơn Thành; TP HCM - Mộc Bài, Hòa Bình - Mộc Châu.
Thảo luận