Sơn Hải cam kết bảo hành 10 năm cho toàn bộ tuyến đường cao tốc, bao gồm cả việc tự bỏ tiền để mở rộng lề đường và cải thiện mặt đường, tạo điều kiện giao thông thuận lợi và an toàn cho người dân.
Mạnh tay chi tiền mua sắm thiết bị từ nước ngoài
Thông tin từ Tập đoàn Sơn Hải cho biết, công ty này đã đầu tư rất nhiều tiền để mua sắm trang thiết bị hiện đại từ nước ngoài về làm đường cao tốc tại Việt Nam.
Theo đó, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 50km, với thiết kế 4 làn xe vận tốc 80km/h. Dự án có đào hầm xuyên núi, có tổng chiều dài 2 ống hầm gần 1,5km. Trên tuyến có 500 cầu, cống các loại, thi công trên địa hình, địa chất phức tạp.
Dù vậy, Sơn Hải vẫn thành công lập kỳ tích trong ngành xây dựng giao thông vận tải khi đưa vào khai thác tuyến cao tốc từ ngày 19/5/2023, vượt tiến độ 3 tháng. Đặc biệt, công trình Hầm Dốc Sạn, mắt xích quan trọng trên tuyến cao tốc này, hoàn thành vượt tiến độ tới 6 tháng.
Để làm được điều này, Tập đoàn Sơn Hải đã sử dụng rất nhiều công nghệ hiện đại, dù như vậy đồng nghĩa với việc chi phí sẽ cao hơn nhiều, trong khi đơn giá thanh toán là không thay đổi.
Tập đoàn Sơn Hải khẳng định với báo Chính phủ rằng, họ không ngần ngại đầu tư hàng trăm tỷ đồng tiền thiết bị hiện đại từ các nước tiên tiến để làm dự án, như máy cấp liệu trong thi công mặt đường bê tông nhựa. Thiết bị này lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam.
Công nghệ này cho phép triệt tiêu được vết hằn trên mặt đường, làm cho mặt đường bằng phẳng hơn, thảm bê tông nhựa qua thiết bị này được gia nhiệt và trộn thêm một lần nữa để có một cấp khối bê tông nhựa đều hơn, qua đó tạo độ nhám mặt đường tốt hơn.
Hay như máy rải giải phân cách tự động sản xuất tại Mỹ, chuyển giao cho Việt Nam từ chuyên gia của hãng. Máy được sản xuất và nhập khẩu năm 2022, là một trong những thiết bị tiên tiến và hiện đại nhất Việt Nam, sử dụng cho dự án cao tốc.
Thiết bị máy rải giải phân cách tự động đi giữa đường và "nhả" ra dải phân cách bê tông liền mạch, vừa cho chất lượng đồng đều với tính thẩm mỹ cao, vừa giúp tiết kiệm thời gian thi công, nâng cao năng suất.
Cỗ máy mà Sơn Hải sử dụng là Power Curber 5700. Theo giới thiệu của nhà sản xuất, 5700-D là thế hệ mới nhất của máy bê tông ván khuôn bán chạy số 1 trên thế giới.
Thi công hầm bằng phương pháp hiện đại của Áo
Hầm Dốc Sạn bắt đầu khởi công vào tháng 11/2021. Nhằm đẩy nhanh dự án, chủ đầu tư bố trí các nhà thầu kinh nghiệm nhất về thi công hầm xuyên núi.
Công trường hầm sử dụng 4 mũi thi công đào và gia cố hầm, 2 mũi thi công gia cố mái cửa hầm. Các đơn vị thi công "3 ca, 4 kíp" liên tục, trung bình đào được khoảng 10m hầm mỗi ngày.
Để thi công vượt tiến độ, Sơn Hải đã huy động tối đa nhân lực công ty với hơn 500 thiết bị, 1.500 công nhân, chia 3 ca làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm.
Theo đại diện Tập đoàn Sơn Hải, doanh nghiệp áp dụng công nghệ thi công Hầm Dốc Sạn theo phương pháp NATM của Áo. Đây là ông nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Công ty huy động hàng trăm cán bộ, công nhân viên và hàng trăm máy móc thiết bị hiện đại làm việc cả ngày đêm. Nhờ đó, công trình hoàn thành vào tháng 5/2022, vượt tiến độ 6 tháng so với tiến độ được phê duyệt.
Những năm gần đây, phương pháp đào hầm của Áo (NATM) là phương pháp xây dựng ngầm được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. NATM tối đa hóa khả năng chống đỡ và hỗ trợ vốn có của địa hình, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí vật liệu hỗ trợ, nhân sự cũng như thời gian thi công dự án.
NATM còn cho thấy khả năng chống chịu đặc biệt cao đối với các áp lực địa chất ở khu vực dễ xảy ra động đất. Đây là phương pháp xây dựng xuất sắc, thường được áp dụng trong xây dựng nhiều đường hầm trên thế giới.
Khi thi công công trình Hầm Dốc Sạn, phía Sơn Hải đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép thay đổi thiết kế trải toàn bộ bằng bê tông nhựa nhằm triệt tiêu tiếng ồn khi phương tiện lưu thông, đồng thời bảo đảm mỹ quan đẹp hơn. Đây là hầm duy nhất của Việt Nam trải bê tông nhựa toàn bộ. Chính vì vậy, khi xe đi qua hầm không còn tiếng "ù ù" như khi di chuyển qua các hầm đường bộ khác.
Bỏ tiền đầu tư thêm vào dự án, tự tin bảo hành 10 năm
Ngoài việc mạnh tay chi tiền đầu tư các công nghệ hiện đại, Tập đoàn Sơn Hải còn tự bỏ tiền túi để đầu tư thêm vào dự án, nhằm giúp người dân tham gia giao thông được thông thoáng hơn, an toàn hơn.
Chẳng hạn, công ty đã tự bỏ kinh phí mở rộng lề đường từ 50cm lên 1m, cũng như gia cố lề đường bằng bê tông 1m đó suốt chiều dài gần 100km toàn tuyến Nha Trang - Cam Lâm ở cả hai bên với kinh phí 56 tỷ đồng.
Tự tin vào con đường mình đã thực hiện, tháng 10/2022, Tập đoàn Sơn Hải có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, trong đó cam kết bảo hành 10 năm đường cao tốc do công ty thực hiện.
Theo đó, Sơn Hải cam kết mặt đường không hằn lún, không bong bật, mặt đường bằng phẳng, êm thuận kể cả đoạn tiếp giáp vào cầu (khi lưu thông không gập ghềnh).
Trong mọi trường hợp xe quá tải trọng, quá lưu lượng, thời tiết bất lợi cũng không làm thay đổi nội dung cam kết bảo hành 10 năm. Ngoài ra, Nhà nước không cần phải chi bất cứ một khoản tiền gì trong quá trình duy tu sửa chữa trong thời gian 10 năm Sơn Hải bảo hành.
Chưa hết, Tập đoàn Sơn Hải còn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho cắm biển bảo hành 10 năm công khai trên tuyến để tiện cho người dân tham gia giao thông cùng giám sát việc bảo hành.
Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải tự tin khi cam kết "việc bảo hành sẽ được người dân giám sát bằng cách cắm biển cam kết bảo hành 10 năm công khai trên các đoạn đường do Sơn Hải thi công”, thể hiện sự tận tâm và trách nhiệm.
Cơ quan báo chí của Chính phủ cho rằng, 10 năm không phải là dài so với tuổi thọ một con đường và lời cam kết sẽ được nhân dân cùng kiểm chứng, tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có doanh nghiệp giao thông nào tại Việt Nam dám đưa ra thời hạn bảo hành lâu như vậy thì việc Sơn Hải "dám nghĩ, dám làm, dám cam kết, dám thực hiện" là thật sự đáng trân trọng.