Quy hoạch Vĩnh Phúc thành thành phố trực thuộc trung ương

HÀ NỘI (Sputnik) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 6/2 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sputnik
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc.
Quyết định cũng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: Tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao (trong đó chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô xe máy, linh kiện điện tử…), đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước.
Vĩnh Phúc muốn xây tượng Phật hơn 500 tỷ đồng ở thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Ngoài ra, ngành chế biến thực phẩm, đồ uống như phát triển dự án chế biến thịt bò, lợn; sản phẩm sữa gắn với chăn nuôi bò cũng được chú trọng.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng "dịch vụ chất lượng - sản phẩm khác biệt - hiệu quả bền vững": Vừa phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo dựng một phong cách riêng với các loại hình mới, độc đáo, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Nguồn vốn đầu tư công ưu tiên cho các dự án trọng điểm, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), tăng xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động vốn.
Thảo luận