Tại phiên họp toàn thể việc đầu tiên là nhất trí thông qua sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Quốc hội “Về việc bãi bỏ Luật CHDCND Triều Tiên về hợp tác kinh tế giữa miền Bắc và miền Nam Triều Tiên, Luật CHDCND Triều Tiên về Đặc khu du lịch quốc tế Kumgang và các quy tắc thực hiện, các thỏa thuận liên quan đến hợp tác kinh tế liên Triều”, bản tin thông tấn cho biết.
Trước đó, Quốc hội CHDCND Triều Tiên đã ban hành nghị quyết về việc giải thể Ủy ban hòa bình thống nhất Tổ quốc, Văn phòng Xúc tiến Kinh tế quốc gia và Văn phòng Du lịch quốc tế tại Núi Kumgang. Nghị quyết lưu ý rằng Quốc hội “buộc phải thừa nhận thực tế lịch sử tàn khốc” là không bao giờ có thể đạt được việc thống nhất miền Bắc và miền Nam dựa trên nguyên tắc “một quốc gia, một nhà nước và hai chế độ”.
Các nghị sĩ chỉ ra nguyên nhân của việc này là do chính sách của Seoul trong gần 80 năm nay chỉ mong chờ “chế độ (Triều Tiên) sụp đổ” và đang trông đợi việc thống nhất đất nước bằng cách “thâu tóm”. Hàn Quốc được nhắc đến trong nghị quyết với tên chính thức là "Hàn Quốc" và được gọi là "quốc gia thù địch nhất".
Trong bài phát biểu mang tính cương lĩnh tại kỳ họp Quốc hội, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho rằng việc này đặt dấu chấm hết cho 80 năm quan hệ liên Triều và luật hóa chính sách đối với Hàn Quốc dựa trên sự công nhận hai nhà nước cùng tồn tại. Ông đề xuất xác định rõ ràng trong hiến pháp CHDCND Triều Tiên ranh giới lãnh thổ thuộc quyền quản lý nhà nước của Bình Nhưỡng, đồng nêu ra trong bộ luật cơ bản của đất nước việc sẵn sàng chiếm giữ hoàn toàn Hàn Quốc và đưa nước này sáp nhập vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng lên tiếng ủng hộ việc loại bỏ khỏi hiến pháp những câu chữ như “phần phía bắc” và “tự chủ, thống nhất hòa bình và đại đoàn kết dân tộc”, đề xuất chuẩn bị những thay đổi tương ứng cho kỳ họp tiếp theo của Quốc hội.
Theo ông Kim Jong Un, Triều Tiên cần thực hiện “các biện pháp theo từng giai đoạn” để tách biệt hoàn toàn ở khu vực biên giới, bao gồm cả việc “cắt đứt trên thực tế đến mức hoàn toàn và không thể đảo ngược” tuyến đường sắt nối Seoul với thành phố Sinuiju của Bắc Triều Tiên ở biên giới giáp Trung Quốc, tuyến đường được phục hồi vào đầu thập niên 2000 và dù không hoạt động nhưng vẫn tồn tại như một “biểu tượng của sự trao đổi và hợp tác giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên”.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên còn đề xuất loại bỏ Tượng đài Ba bản Hiến chương thống nhất Tổ quốc được xây dựng ở ngoại ô phía nam Bình Nhưỡng vào năm 2001, nhằm “xóa bỏ hoàn toàn khỏi lịch sử dân tộc nước cộng hòa chúng ta chính những khái niệm như “thống nhất”, “hòa giải” và “đồng bào”.