Chuyện cựu đặc vụ FBI của Mỹ về Việt Nam làm cho Vingroup

Tín Nguyễn, một cựu đặc vụ FBI, đã quyết định trở về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mới trong lĩnh vực an ninh mạng.
Sputnik
Tín chia sẻ về hành trình từ Mỹ về Việt Nam, từ việc nhận lời mời khởi nghiệp cho đến việc xây dựng công ty Polaris Infosec, làm giám đốc Khối Dịch vụ An ninh bảo mật cho phương tiện thông minh tại VinCSS, và giảng dạy tại Đại học RMIT.

Chàng cựu đặc vụ FBI và lựa chọn trở về Việt Nam

Phóng viên báo Đầu tư có buổi gặp gỡ với Tín Nguyễn, chuyên gia bảo mật VinCSS, tại một quán cà phê ở TP.HCM. Tín chia sẻ về hành trình từ một cựu đặc vụ FBI thành chuyên gia tại Việt Nam.

“Thực ra câu chuyện di cư của tôi đâu phải chuyện lạ lùng hay độc nhất. Hồi đó, tôi chỉ là một trong hàng trăm ngàn đứa trẻ di cư sau chiến tranh và bây giờ, tôi cũng chỉ là một trong hàng ngàn Việt kiều quay về”, - Tín Nguyễn trả lời khi được hỏi về hành trình trở về cội nguồn và công việc của anh trong ngành an ninh mạng.

Gia đình Tín Nguyễn di cư sang Mỹ khi anh mới chỉ vài tháng tuổi. Tín lớn lên tại bang California. Năm 18 tuổi, anh giành được học bổng toàn phần tại Boston University, một trong số các trường đại học quốc gia hàng đầu tại Mỹ.
Sau 2 năm, Tín chuyển ngang sang Trường quân sự The Citadel rồi bén duyên với lĩnh vực an ninh từ đó. Anh khởi đầu sự nghiệp trong Lục quân Thủy chiến của Mỹ (từng tham gia chiến đấu 2 lần ở Iraq và 1 lần ở Afghanistan), rồi trải qua 8 năm phục vụ trong Cục Điều tra Liên bang (FBI).
Top 3 điểm yếu của hệ thống an ninh mạng tại Việt Nam
Ở ngã ba đường sự nghiệp, trước cơ hội đảm nhiệm một vị trí quản lý tại FBI, không còn được trực tiếp sát sao với hiện trường, Tín Nguyễn nhận thấy mình vẫn còn mong muốn phục vụ, nhưng đã đến lúc cống hiến của anh cần tạo nên những tác động rõ rệt hơn.
Cuối cùng, năm 2018, Tín chọn quay về Việt Nam theo đề nghị khởi nghiệp của một người bạn.
“Nếu lúc đó bạn tôi đề xuất một quốc gia khác, chắc tôi đã không nhận lời. Tôi đồng ý về Việt Nam vì đây sẽ là cơ hội để tìm hiểu thêm về di sản văn hóa của quê cha đất tổ”, - báo Đầu tư dẫn lời Tín Nguyễn.
Tại Việt Nam, Tín đặt ra sứ mệnh mới cho mình là góp phần xây dựng an ninh một cách chủ động, đặc biệt là đối với quê hương, nơi an ninh mạng vẫn còn là một lĩnh vực rất mới mẻ.

Hoà nhập với quê hương

Từng có gần 20 năm sống trong cộng đồng người Việt ở California, Tín Nguyễn hầu như không có suy nghĩ sẽ quay về. Việt Nam với anh chỉ là hình ảnh những người nói tiếng Việt, những cửa hàng bán đồ Việt và món ăn Việt ở quận Cam. Cũng nhiều lần Tín được nhìn thấy Việt Nam qua những bức ảnh cũ của cha mẹ và có suy nghĩ, Việt Nam đâu đó sẽ hiện đại hơn thế một chút.
Tất cả những nhận thức này lập tức thay đổi khi Tín đặt bước chân đầu tiên về Việt Nam ở tuổi 35.
“Lúc đó, tôi có suy nghĩ rằng, lai lịch gốc Việt của mình sẽ đem đến lợi thế lớn trong việc hòa nhập cộng đồng doanh nghiệp tại đây, nhưng điều này chỉ đúng một phần. Là người Việt, nhưng tôi không rành tiếng Việt, cũng chẳng hiểu mấy về văn hóa - xã hội của nguồn cội. Đó thực sự là một cú sốc văn hóa khi phải tìm hiểu cách đồng bào mình làm việc và sinh sống”, - Tín nhớ lại.
Ngoài thay đổi về mặt địa lý, Tín cũng nhanh chóng nhận ra rằng, cuộc sống mới đòi hỏi phải thích nghi cả về thói quen và tư duy. Khởi đầu trong môi trường start-up, bài học đầu tiên của anh là cách làm việc với các bạn trẻ, xây dựng đội ngũ và mô hình kinh doanh từ những viên gạch nền.
FBI truy nã Tiến sĩ người Việt tham gia rửa tiền trên ChipMixer
Tại văn phòng đầu tiên trong một không gian làm việc chung (coworking space), Tín bắt đầu làm quen với phong cách làm việc của người Việt, như thói quen nghỉ trưa tại văn phòng, cách đặt xe và gọi đồ ăn, hay cách giao tiếp với khách hàng, đối tác và điều hành đội ngũ trẻ từ thế hệ Millennials đến GenZ.
Với đội ngũ của mình, Tín khởi đầu với các bạn trẻ gần như mới ra trường, phải hướng dẫn họ từ những điều cơ bản nhất. Anh đã rèn luyện cho mình sự kiên nhẫn và linh hoạt để đạt đến thành công. Khi khởi nghiệp, Tín hiểu rằng không thể tránh những lúc người đứng đầu làm sai và phải học cách nói: “Anh xin lỗi, anh sẽ sửa”.
Theo thời gian, Tín dần dần thoát khỏi “chiếc vỏ kén” quân đội, trở thành một CEO nhanh nhạy và linh hoạt. Công ty an ninh mạng Polaris Infosec do anh dẫn dắt đã giúp rất nhiều doanh nghiệp ở Đông Nam Á bảo vệ dữ liệu với việc áp dụng AI và công nghệ học máy (machine learning), tự động hóa việc bảo vệ ứng dụng web và dự báo trước các đợt tấn công của tin tặc.
Trong vụ tấn công blockchain lớn nhất từ trước đến nay năm 2022, khi tin tặc đánh cắp số tiền điện tử trị giá hơn 625 triệu USD từ người chơi Axie Infinity, Tín là người trực tiếp chỉ đạo ứng phó và phục hồi, cũng như điều phối giữa FBI và các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam và châu Âu để xử lý vụ việc.
Đến khi trở thành một trong nhiều giám đốc điều hành tại Tập đoàn Vingroup, những trải nghiệm khởi nghiệp đầu tiên về văn hóa và trí tuệ cảm xúc vẫn là bài học quý giá giúp Tín Nguyễn thành công trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Tuân thủ luật an ninh mạng, Netflix sẽ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam
“Nếu vẫn ở lại FBI, có lẽ tôi sẽ lên chức và học thêm được khoảng 10% kỹ năng nghiệp vụ. Nhưng 6 năm qua, thực sự tôi đã trải qua một hành trình phát triển bản thân lớn nhất từ trước đến nay, trong cả công việc và cuộc sống. So với ngày đầu tiên tới Việt Nam, hiệu quả phải nhân với 500.000 lần”, - Tín chia sẻ.

Xây dựng hệ sinh thái an ninh mạng tại Việt Nam

Hiện Tín đang giữ vị trí Giám đốc Khối Dịch vụ An ninh bảo mật cho phương tiện thông minh tại Công ty cổ phần Dịch vụ an ninh mạng (VinCSS). Đây là công ty khởi nghiệp vừa tròn 5 tuổi, đang bước vào vòng gọi vốn series B.
An ninh mạng ô tô là lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam. Khối Dịch vụ An ninh bảo mật cho phương tiện thông minh của VinCSS là đội ngũ duy nhất có kinh nghiệm thực tế sâu rộng trong ngành.
Tín Nguyễn điều hành Khối bằng những trải nghiệm của mình, tận dụng chuyên môn của các kỹ sư dày dặn kinh nghiệm và sự nhiệt huyết, năng nổ của đội ngũ kỹ sư trẻ để tạo nên một bộ máy trơn tru, hoàn chỉnh.
Việt Nam lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Công an
Dù ngành an ninh mạng ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong 5 năm qua, Tín Nguyễn nhận thấy, năng lực bảo vệ của cộng đồng nhìn chung vẫn còn yếu. Trong bối cảnh các trào lưu công nghệ luôn du nhập sớm và bùng nổ ở Việt Nam (như web 3.0, blockchain hay AI), thì nhận thức và năng lực an ninh để ngăn chặn và giải quyết sự cố lại chưa phát triển ở tốc độ tương xứng.
“Wifi ở khắp nơi, chúng ta có văn hóa cà phê wifi rất thú vị. Tuy vậy, càng kết nối, rủi ro càng tăng. Người dân Việt Nam chưa hiểu rõ về an ninh mạng và chưa có đủ nguồn lực để đảm bảo an ninh mạng. Nhiều người lầm tưởng công nghệ thông tin và an ninh mạng là một. Kể cả nhiều kỹ sư công nghệ trong ngành cũng chưa phân biệt rõ hai khái niệm này”, - anh nói.
Ưu tiên số 1 của Tín sắp tới vẫn là tiếp tục xây dựng năng lực cho đội ngũ của mình về an ninh mạng ô tô. Ngoài ra, anh cũng tư vấn cho nhiều công ty khởi nghiệp về an ninh mạng và đầu tư vào một số ít công ty khởi nghiệp. Tín mong muốn giúp các công ty khác cung cấp giải pháp và dịch vụ cho cộng đồng thông qua những cách riêng của họ.
Bộ Công an Việt Nam và EU: Tăng cường hợp tác an ninh mạng
Chàng cựu đặc vụ FBI cũng tham gia giảng dạy tại Đại học RMIT, nhằm đóng góp vào hệ sinh thái an ninh mạng ở Việt Nam từ thế hệ trẻ. Anh có mối quan hệ thân thiết với các sinh viên, dành nhiều thời gian định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho các bạn trẻ.
“Hãy luôn cố gắng học chuyên sâu nhất có thể. Đó là cách tạo ra sự khác biệt”, - Tín đưa ra lời khuyên cho người trẻ.
Thảo luận