Nhà đầu tư cũng có thể phân chia tỷ lệ nhỏ nguồn tiền sang nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, cần ghi nhớ nguyên tắc quan trọng "không bỏ tất cả trứng vào một giỏ" nhằm phân tán rủi ro, tránh sai lầm dồn hết nguồn lực vào một nguồn đầu tư duy nhất.
Gửi tiền tiết kiệm ngân hàng
Với kênh gửi tiết kiệm, các chuyên gia dự báo, năm 2024 sẽ tiếp tục là nơi trữ tiền an toàn cho các nhà đầu tư, những biên lợi nhuận khó có đột biến. Lý do là vì lãi suất tiết kiệm vẫn đi ngang, tiếp nối giai đoạn liên tục "xuống đáy" năm 2023.
Theo dự báo của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), lãi suất tiết kiệm khó còn dư địa giảm thêm và sẽ tiếp tục được duy trì như mặt bằng hiện nay.
Nguyên nhân là vì lãi suất huy động của các ngân hàng đã quay lại mức đáy giai đoạn trước dịch Covid-19, khó có thể giảm thêm. Ngoài ra, việc duy trì mức nền lãi suất thấp tạo tiền đề cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm, nhằm thực hiện vai trò hỗ trợ nền kinh tế.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, khuyến nghị người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng cần "làm quen" với mức lãi suất trong ngắn hạn thấp. Đây là mức điều chỉnh hợp lý mà các ngân hàng đưa ra. Tuy nhiên, dù lãi suất gửi tiết kiệm thấp nhưng đây vẫn là kênh đầu tư an toàn.
Bất động sản
Về đầu tư bất động sản, các chuyên gia dự báo, năm 2024 sẽ là năm để thị trường chuyển mình cho một chu kỳ hồi phục phát triển mới, nhờ các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là về mặt pháp lý.
Đặc biệt, các giải pháp thúc đẩy thị trường nay đã có hiệu quả nhất định. Nhiều vướng mắc, khó khăn từng bước được tháo gỡ, thị trường có chuyển biến tích cực.
Theo dự báo của Arcadia Consulting Việt Nam, giá nhà sẽ tăng lại vào giữa năm 2024. Khi đó, thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn, chính thức bước vào chu kỳ mới. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư và là kênh giữ vốn an toàn, nhưng sẽ không có hiện tượng tăng "phi mã" như những năm trước.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, nếu khẩu vị rủi ro cao, nhà đầu tư có thể tranh thủ "bắt đáy" thị trường bất động sản hay chứng khoán vào lúc này, nếu thấy được cơ hội đầu tư tốt.
Về phần mình, TS. Nguyễn Trí Hiếu kỳ vọng từ thời điểm giữa năm 2024, kênh đầu tư này có bắt đầu hồi phục trở lại.
Trong khi đó, theo TS. Đinh Thế Hiển, giá bất động sản chỉ đi về mức hợp lý, khả năng tăng trở lại rất khó. Như vậy, các nhà đầu tư cần cân nhắc, lựa chọn tìm kiếm sản phẩm bất động sản có thanh khoản tốt khi kênh đầu tư này còn khó khăn.
Thị trường vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Giá vàng miếng SJC đạt mức 66,6 - 67,6 triệu đồng/lượng (mua - bán) thời điểm bắt đầu năm 2023 và kết thúc năm ở mức 70 - 74 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Vậy là sau 1 năm, giá vàng tiếp tục tăng, mang lại mức lãi 2,4 triệu đồng/lượng cho nhà đầu tư, tương đương lợi nhuận khoảng 3,55%.
Tuy nhiên, đây chỉ là mức lợi nhuận được tính toán vào thời điểm đầu và cuối năm. Trên thực tế, giá vàng có một số giai đoạn tăng vọt, đem lại lợi nhuận "khủng" cho nhà đầu tư.
Trong 2 tuần cuối năm 2023, giá vàng miếng SJC liên tục tăng mạnh, lên tới hàng triệu đồng/phiên. Đỉnh điểm ngày 26/12/2023, giá vàng SJC đã được điều chỉnh đến 10 lần theo xu hướng tăng, lập đỉnh 80,3 triệu đồng/lượng.
So với hồi đầu năm, kim loại quý tăng gần 13 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 19%, mức lợi nhuận rất tốt khi mà các kênh đầu tư khác đều gặp khó.
Năm 2024, các chuyên gia dự báo giá vàng có thể sẽ có những đợt tăng mới. Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nhận định, giá vàng thế giới có thể sẽ tăng tiếp để kiểm tra các mốc cao như 2.100 USD hoặc 2.150 USD/ounce. Tuy nhiên, đến hết quý I/2024, giá vàng có thể được điều chỉnh giảm mạnh hoặc sớm hơn là vào tháng 2 hoặc tháng 3.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, dù xu hướng chủ đạo của giá vàng vẫn là tăng, nhưng dòng tiền đổ vào vàng sẽ không quá lớn do giá vàng diễn biến rất thất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Về phần mình, ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT, cho rằng vàng chỉ là kênh đầu tư phòng thủ. Giá vàng được hỗ trợ khi lãi suất ở Mỹ giảm. Khi có yếu tố chính trị tác động, giá vàng neo về mức cao như khi lập đỉnh năm 2023. Tuy vậy, giá vàng sẽ khó tăng mạnh trên 20% trong năm 2024 mà chỉ tăng tối đa lên 85 triệu đồng/lượng.
Trường hợp kinh tế năm 2024 ổn định, giá vàng có thể đi ngang hoặc giảm. So với hiệu suất tăng trưởng của cổ phiếu, đây là mức tăng không hấp dẫn, thậm chí không có nhiều kỳ vọng. Nếu Nghị định 24 được sửa đổi để kiểm soát giá vàng thì giá vàng trong nước sẽ càng tiến sát với giá vàng thế giới. Như vậy, tốc độ tăng của vàng sẽ không đột biến.
Theo ông Huấn, trong năm nay, nhà đầu tư nên mua vàng ở nhịp giảm mạnh từ 5-10%. Nếu không áp dụng công thức này, nhà đầu tư có thể dễ rơi vào tình trạng "đu đỉnh".
Trong danh mục đầu tư năm 2024, vàng nên giữ quanh mức tỷ trọng 10%. Lý do, nếu nhìn lại chu kỳ 10 năm qua, từ 2011-2019, giá vàng vẫn dao động ở mốc 40 triệu đồng, không biến động. Thời điểm bán vàng ra hợp lý là năm 2025.
Chứng khoán
Về chứng khoán, ông Trương Quang Bình (Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam) dự báo, nền kinh tế năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức, nhưng đây cũng là năm mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư chứng khoán.
Do vậy, việc lựa chọn phân bổ nguồn tiền vào lĩnh vực nào sẽ phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người:
"Cho dù lựa chọn kênh đầu tư nào thì nhà đầu tư cũng cần đưa ra được giải pháp hiệu quả để bảo vệ tài sản cũng như gia tăng tài sản", - VTC dẫn lời ông Bình.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng thị trường năm 2024 đang khá rẻ với lợi suất thị trường chứng khoán hiện tại khoảng 10%. Đây là mức khá hấp dẫn so với kênh đầu tư gửi tiết kiệm, hiện đang dưới 5% và có thể thấp hơn.
Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thì cho rằng, triển vọng kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2024 là rất sáng sủa. Tuy nhiên, nhà đầu tư không chạy theo đầu cơ mà cần xác định đây là kênh đầu tư dài hạn.
Hiện nay, có hơn 95% nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường là đầu cơ với mong muốn giàu nhanh, nhưng việc này sẽ khó xảy ra trên thực tế, và sớm muộn gì cũng sẽ gặp rủi ro.
Ônh Huân khuyến nghị các nhà đầu tư nên tập trung vào những mã cổ phiếu giá trị và không kỳ vọng quá nhiều tỷ suất sinh lời cao. Bên cạnh đó, cần phải luôn chú ý quản trị rủi ro danh mục, tránh đầu tư theo tin đồn.
Trở lại với câu hỏi nhà đầu tư nên lựa chọn bỏ tiền vào kênh nào, ông Huân cho rằng, nếu khẩu vị rủi ro thấp thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể phân chia tỷ lệ nhỏ nguồn tiền sang một số kênh khác.
Tuy nhiên, nguyên tắc cố định cần ghi nhớ là "không bỏ tất cả trứng vào một giỏ" nhằm phân tán rủi ro.