Gà hỗ trợ người nghèo 'đi lạc' vào nhà người thân chủ tịch xã

Dù biết người thân trong gia đình không phải hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng ông Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch UBND xã Bình Lâm, vẫn thống nhất hỗ trợ gà giống thuộc dự án liên kết nuôi gà lấy thịt trên nền đệm lót sinh học.
Sputnik
Các trưởng thôn đều xác nhận, trên địa bàn xã Bình Lâm huyện Hiệp Đức, còn nhiều hộ thuộc diện ưu tiên tham gia dự án. Vậy nhưng, UBND xã không thông tin, phổ biến đến nhân dân nên họ không biết để đăng ký tham gia dự án.

Kết luận thanh tra dự án liên kết nuôi gà lấy thịt

Theo VTC News, Thanh tra huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam mới đây đã có kết luận thanh tra đột xuất dự án liên kết nuôi gà lấy thịt trên nền đệm lót sinh học tại xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức.
Kết luận nêu rõ, năm 2023, xã Bình Lâm làm chủ đầu tư dự án liên kết nuôi gà lấy thịt để tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống người dân. Người thụ hưởng dự án là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người khuyết tật.
Theo đó, 10 hộ dân trên địa bàn xã được cấp 3.300 con gà, với tổng vốn đầu tư hơn 144 triệu đồng. Hợp tác xã nông nghiệp Organic Green Nguyên Hưng là đơn vị cung ứng con giống và bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, UBND xã Bình Lâm cấp gà cho 10 hộ dân nhưng không khảo sát và công khai cho người dân biết. Hợp tác xã hợp đồng, biên bản được lập sau khi đã thanh toán vốn và nhờ các hộ dân ký lại.
Khi "Vua Thép" đi bán trứng gà
UBND xã Bình Lâm cũng không giám sát việc tổ chức, thực hiện dự án, để xảy ra tình trạng thay đổi đối tượng và số lượng con giống cung ứng cho mỗi hộ không đúng với dự án đã được phê duyệt; tự ý chuyển con giống cho hộ khác nuôi, không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi dẫn đến việc thanh toán, giải ngân nguồn vốn không đúng với dự án đã được phê duyệt.

Gà cấp cho người nghèo “lạc” vào nhà người thân Chủ tịch xã

Kết luận thanh tra cũng cho hay, tất cả 10 hộ dân nhận gà đều sai đối tượng, chưa đủ điều kiện hoặc không đúng với phương án phê duyệt ban đầu.
Đặc biệt, với trường hợp bà Nguyễn Thị Hiền - chị dâu ông Nguyễn Hữu Sơn (Chủ tịch UBND xã Bình Lâm), thanh tra xác định bà Hiền không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo, người khuyết tật nên không thuộc diện đối tượng ưu tiên tham gia dự án. Hộ bà Hiền cũng không có quỹ đất để làm chuồng trại.
Bà Hiền có tên trong danh sách thuyết minh dự án đã được huyện phê duyệt nhưng danh sách nhận con giống lại là tên của bà Nguyễn Thị Nên, mẹ ruột và cùng hộ với Chủ tịch UBND xã Bình Lâm Nguyễn Hữu Sơn.
Xác minh thực tế ghi nhận, chuồng trại và gà nuôi tại nhà bà Nguyễn Thị Nên không đảm bảo, không có nền đệm lót sinh học theo quy định.
Người đàn ông Trung Quốc dọa đến chết hơn nghìn con gà rồi đi tù
Các trưởng thôn đều xác nhận trên địa bàn xã Bình Lâm còn nhiều hộ thuộc diện ưu tiên tham gia dự án. Vậy nhưng, UBND xã không thông tin, phổ biến đến nhân dân nên họ không biết để đăng ký tham gia dự án.
Thanh tra kết luận, những hạn chế, khuyết điểm nói trên thuộc trách nhiệm của ông Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch UBND xã; ông Ngô Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã và bà Nguyễn Xuân Định - Công chức Tài chính - Kế toán xã Bình Lâm.
Đặc biệt, dù biết người thân trong gia đình không phải là đối tượng ưu tiên, không đủ điều kiện thực hiện dự án theo quy định nhưng ông Nguyễn Hữu Sơn vẫn thống nhất hỗ trợ. Điều này đã tạo dư luận xấu trong cán bộ, công chức, nhân dân trên địa bàn.
Thanh tra huyện Hiệp Đức đề nghị Chủ tịch UBND xã Bình Lâm nộp trả hơn 144,2 triệu đồng vào ngân sách huyện do chi thanh toán dự án sai quy định; đề nghị UBND huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ huyện xem xét xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Hữu Sơn.
Thảo luận