Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho biết Luật Đất đai mới gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều.
Tại Luật Đất đai mới được công bố sáng nay đã chia các nhóm sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với đất không có giấy tờ.
Cụ thể gồm hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18-12-1980, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp.
Điểm chung của cả 3 nhóm trên là đều phải được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là đất không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất sai thẩm quyền, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và tùy vào từng nhóm sẽ có những quy định cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đối với đất không giấy tờ đang được cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định, theo Luật mới, sẽ được kéo dài thêm 10 năm so với quy định cũ.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được giao đất nông nghiệp, đã sử dụng làm đất ở, đất phi nông nghiệp trước ngày 1/7/2014 mà không có các giấy tờ quy định, có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương, thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp, sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đang sử dụng, nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp cho cá nhân quy định.
Thời hạn sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với diện tích đất nông nghiệp còn lại (nếu có) phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước.
Đáng chú ý về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, ông Ngân cho hay luật mới đã hoàn thiện quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Cụ thể, theo hướng với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân ở trong nước (cá nhân trong nước).
Quy định nhóm người sử dụng đất gồm thành viên hộ gia đình thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất...
Về thu hồi đất, trưng dụng đất, ông Ngân thông tin luật đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thực hiện các dự án xây dựng công trình công cộng, xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp.
Các trường hợp khác bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách...
Quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, luật mới đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở.
Cụ thể hóa nguyên tắc "có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.
Luật mới cũng quy định chuẩn hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Quy định rõ thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, tách riêng giữa vai trò quản lý nhà nước (việc công nhận quyền sử dụng đất) với việc cung cấp dịch vụ công của cơ quan đăng ký (việc cấp giấy chứng nhận).
Đưa việc cấp giấy chứng nhận được chuyên nghiệp hóa, làm cơ sở cho việc thống nhất công tác đăng ký đất đai, quản lý hồ sơ địa chính từ trung ương tới địa phương.
Giao cho UBND cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15-10-1993 cho phù hợp với thực tiễn của địa phương...
Với nhóm quy định tài chính về đất đai, giá đất, Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết luật đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ. Thay vào đó, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất, quy định bảng giá đất được xây dựng hàng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 1/1 của năm tiếp theo. Việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất.
Bên cạnh đó, quy định cụ thể thời điểm xác định giá đất, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất mà làm thay đổi diện tích, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất...
Theo ông Lê Minh Ngân, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc thời điểm bảng giá đất được công bố lần đầu và áp dụng vào đầu năm 2026 để có đủ thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, đảm bảo các điều kiện để xây dựng bảng giá đất.