Đánh giá về 2 máy bay nội địa do Trung Quốc sản xuất, CEO Riyadh Air từ Saudi Arabia cho rằng, Comac sẽ là giải pháp để chống lại tình trạng độc quyền trong ngành của phương Tây.
Comac giới thiệu máy bay C919 và ARJ21 ở Quảng Ninh
Sáng 27/2, tại cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức chương trình giới thiệu 2 máy bay do Trung Quốc sản xuất là ARJ21 và C919.
Theo các hình ảnh được công bố, ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và ông Đàm Vạn Canh - Chủ tịch Comac đã cùng ngồi trải nghiệm ghế hạng thương gia.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã thăm buồng lái, tiếp và chúc mừng cơ trưởng của C919 có đóng góp vào màn trình diễn thành công của C919 tại Việt Nam.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trải nghiệm buồng lái máy bay C919
© TTXVN - Bùi Đức Hiếu
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Comac Đàm Vạn Canh cho biết, Việt Nam là điểm đến thứ hai ở nước ngoài của C919, sau Singapore.
Ông Đàm nhận định: "Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng, đồng thời bày tỏ kỳ vọng Vân Đồn sẽ là điểm khởi đầu, thúc đẩy cho sự hợp tác ngành công nghiệp hàng không của hai nước".
Đây là dòng máy bay chở khách thân hẹp có chiều dài gần 39 m, sức chứa 168 hành khách, tầm bay tối đa 4.075 km. Hãng kỳ vọng có thể phá vỡ thế độc quyền toàn cầu của Boeing và Airbus với dòng tàu bay thân hẹp này.
Theo thông tin do Chủ tịch Comac công bố, Comac đã bàn giao 4 chiếc C919 cho các hãng hàng không Trung Quốc. Đến nay, C919 đã tích lũy được 12.600 giờ bay an toàn, chuyên chở khoảng 136.000 hành khách.
Trong khi đó, máy bay phản lực thế hệ mới ARJ21 do Trung Quốc tự nghiên cứu sản xuất cũng đã hoàn thành chuyển giao cho 12 khách hàng với số lượng 127 chiếc, vận chuyển hơn 11 triệu hành khách, khẳng định được tính an toàn và độ tin cậy của máy bay.
Đặc biệt, đã có 2 chiếc máy bay phản lực thế hệ mới ARJ21 được giao cho khách hàng nước ngoài đầu tiên là hãng hàng không Lion Air Indonesia. Tàu bay đã hoạt động an toàn trong hơn 3.000 giờ bay, chở hơn 100.000 hành khách.
Chống độc quyền trong ngành máy bay từ phương Tây
Ông Đàm Vạn Canh khẳng định ông "rất vui mừng" khi có mặt tại sân bay Vân Đồn, xem sự kiện này là bước tiến quan trọng để quốc tế hóa máy bay thương mại của Trung Quốc.
Đại biểu và du khách chụp ảnh lưu niệm tại khu triển lãm 2 máy bay
© TTXVN - Bùi Đức Hiếu
Đây cũng là tiền đề để các hãng Trung Quốc chở hành khách nước này đến Quảng Ninh và Việt Nam bằng tàu bay Comac. Ông hy vọng người dân và các hãng hàng không Việt Nam tìm hiểu sâu hơn về các sản phẩm tàu bay của Trung Quốc.
Hiện tại, Comac đã nhận hơn 1.000 đơn đặt hàng C919 từ các hãng hàng không và đơn vị cho thuê máy bay Trung Quốc. Trong đó, hãng đặt nhiều nhất là China Eastern Airlines với hơn 100 chiếc.
Comac đã giao tàu C919 đầu tiên cho China Eastern để vận hành các đường bay thương mại thường lệ nội địa Trung Quốc từ giữa năm ngoái. Hãng hàng không lớn thứ nhì Trung Quốc sau đó đã nhận thêm 3 tàu C919, đưa vào khai thác cho chặng Bắc Kinh - Thượng Hải từ đầu năm nay.
Tại triển lãm Singapore Airshow, triễn lãm hàng không lớn nhất châu Á, diễn ra hồi tuần trước, C919 đã thu hút sự chú ý lớn của công chúng. Công ty công bố đơn đặt hàng 40 tàu bay thân hẹp này với hãng hàng không Tibet Airlines. Với ARJ 21, bên cạnh các hãng Trung Quốc, dòng máy bay phản lực này đã được bàn giao cho một số hãng Indonesia.
Theo đánh giá của CEO Riyadh Air từ Saudi Arabia Peter Bellew, Comac sẽ là giải pháp để chống lại tình trạng độc quyền trong ngành của phương Tây.
Các đại biểu trải nghiệm trên máy bay C919
© TTXVN - Bùi Đức Hiếu
Bên lề Singapore Airshow, Giám đốc mảng máy bay thương mại của Airbus đánh giá Comac sẽ là đối thủ của nhà sản xuất châu Âu trong tương lai với C919. Tuy nhiên, ông cho rằng việc này không ảnh hưởng đáng kể đến Airbus.
Trong khi đó, Dave Schulte, Giám đốc Marketing máy bay thương mại của Boeing tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bày tỏ hy vọng có một ngày được cạnh tranh về doanh số với đối thủ từ Trung Quốc này.
Hiện C919 vẫn chưa được các cơ quản lý tại Mỹ và châu Âu chứng nhận. Theo Reuters, thiết kế của C919 mới chỉ được giới chức hàng không Trung Quốc chứng nhận.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ quảng bá máy bay này khắp thế giới trong năm nay, đồng thời theo đuổi chứng nhận từ Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA).
Dự kiến chiều 27/2, Comac sẽ tổ chức cho bay trình diễn trên vịnh Hạ Long.
Trong khuôn khổ chương trình triển lãm và trình diễn, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT, tỉnh Quảng Ninh và các hãng hàng không Việt Nam, Trung Quốc sẽ tham quan và trải nghiệm bay thử trên các máy bay này. Đồng thời tiếp tục thảo luận, thống nhất, cụ thể hóa một số chương trình hợp tác giữa các bên.
Kết thúc sự kiện tại Vân Đồn, các máy bay "made in China" của Comac sẽ bay tiếp đến Đồng Hới, TP Đà Nẵng, Côn Đảo, TP Hồ Chí Minh và TP Viêng Chăn (Lào).