Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận nhiệm vụ mới

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà được phân công làm chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam.
Sputnik
Đây là uỷ ban tham mưu cho Thủ tướng các quyết sách quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên Lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 204/QĐ-TTg phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đảm nhận chức danh Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam, theo cổng TTĐT Chính phủ.
Quyết định này thay thế Điều 1 Quyết định 1231/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam.
Theo Quyết định 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mekong Việt Nam.
Theo đó, Ủy ban sông Mekong Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, với một số chức năng, nhiệm vụ cụ thể.
Vì sao vựa lúa của Việt Nam - Đồng bằng sông Cửu Long đang rất tụt hậu?
Uỷ ban này giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam, theo quy định của Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mekong, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan.
Ủy ban sông Mekong Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên Lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam.
Ủy ban cũng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, khu vực, trong nước và các cá nhân có liên quan trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên ngành trên Lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam.
Uỷ ban cũng đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan: Thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mekong và các quy chế, thủ tục liên quan; thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh…
Một trong các nhiệm vụ của Uỷ ban là theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên nước, các hoạt động sử dụng, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mekong nhằm đảm bảo sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước sông Mekong.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tỉnh Khánh Hòa rút kinh nghiệm
Đồng thời, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam thông qua quy hoạch tổng thể, các dự án hợp tác và nghiên cứu khoa học công nghệ cho lưu vực Mekong, đặc biệt là các dự án trên dòng chính.
Ủy ban sông Mekong Việt Nam có 2 tiểu ban: Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long và Tiểu ban lưu vực sông Sê San - Srêpốk.
Hồi tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế của Việt Nam.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt được phân công đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam.
Thảo luận