Chính phủ họp, Thủ tướng lệnh giữ chân “đại bàng”

Chính phủ Việt Nam bàn cách thu hút các nhà đầu tư lớn, giữ chân “đại bàng” công nghệ hàng đầu thế giới.
Sputnik
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả chỉ đạo điều hành và triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Điển hình như IMF dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025.

“Giữ chân đại bàng”

Sáng nay, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2 năm 2024.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần xem tình hình tháng này có gì mới, khác so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm ngoái.
“Chúng ta đã đi qua 2 tháng đầu năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro”, - ông nói, thế giới hiện nay về tổng thể là hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh; tổng thể là hòa hoãn, nhưng cục bộ vẫn căng thẳng; tổng thể là ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột.
Trên thế giới, xung đột ở Biển Đỏ diễn biến phức tạp; xung đột ở Ukraina, Dải Gaza kéo dài, nghiêm trọng; ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đe doạ an ninh lương thực, năng lượng; trong khi giá dầu thô, lương thực tăng, tác động đến lạm phát toàn cầu. Cạnh đó, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (kéo dài 1 tuần từ ngày 8-14/2/2024) cũng có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh một số ngành, lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2024
Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích, dự báo tình hình tháng 3 và thời gian tới, những khó khăn, thuận lợi; những công việc cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, những nhiệm vụ cần triển khai để năm 2024 tăng tốc thực hiện mục tiêu của cả nhiệm kỳ.
“Trong đó có những công việc cần làm để thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ (như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính), việc đẩy mạnh triển khai Đề án 06”, - báo Chính phủ dẫn lời Thủ tướng cho biết đây là nhiệm vụ cần thực hiện năm nay để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu, tổng vốn FDI đăng ký hai tháng đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng khoảng 37% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký mới gần 3,6 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ lượng dự án mới tăng 55% và quy mô vốn đầu tư lớn (400-600 triệu USD).
Ngành công nghiệp chế - chế tạo dẫn đầu về thu hút vốn ngoại, tăng gần 17% so với cùng kỳ. Trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn được đánh giá là ngành trọng yếu quốc giacủa Việt Nam trong 30-50 năm tới.Cùng với đó, đến 2030, Việt Nam sẽ thành trung tâm công nghệ vi mạch bán dẫn (thiết kế, đóng gói và kiểm thử), theo chiến lược của Chính phủ công bố trước đó.
Cũng cần nhắc lại rằng, Việt Nam thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành công nghệ, bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu. Nhiều tập đoàn như Apple, Google, NVIDIA đều cho biết mối quan tâm lớn đến đầu tư ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu
Tuy nhiên, thực tế, Việt Nam được cho là vẫn chưa tận dụng hết cơ hội từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, do thiếu nhân lực chất lượng cao, chính sách hỗ trợ khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ đầu 2024.

Không quá cầu toàn, không quá nóng vội, không “giật cục”

Hai tháng đầu năm 2024 kinh tế Việt Nam chuyển biến tốt hơn ở hầu hết lĩnh vực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 3,98% so với cùng kỳ, thu ngân sách đạt 23,5% dự toán. Xuất siêu hơn 4,7 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ 10 năm. Giải ngân đầu tư công ước đạt 9,13% kế hoạch năm, cao hơn 2,16% so với cùng kỳ.
Hơn 41.000 doanh nghiệp gia nhập, quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ.Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều khó khăn về tiếp cận vốn, thiếu chính sách hỗ trợ và thủ tục hành chính chậm sửa đổi. Điển hình như một số doanh nghiệp, dự án bất động sản vẫn gặp vướng mắc pháp lý, chậm được xử lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: “Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, như sức ép điều hành vĩ mô còn cao, nhất là trong khi giá dầu thô, lương thực thế giới biến động mạnh, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới; xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gia tăng”.

Ông lưu ý, sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực chưa phục hồi rõ nét. Thủ tục hành chính có nơi, có lĩnh vực còn rườm rà; kỷ luật kỷ cương tại một số nơi chưa nghiêm; tinh thần, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng bày tỏ, cần bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Tài chính và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
“Trong điều hành kinh tế, không quá cầu toàn, không quá nóng vội, không “giật cục”, - ông nhắc.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị cần tích cực chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, không hình thức.
“Tranh thủ, tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi; nhanh chóng tháo gỡ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh; tạo mọi thuận lợi của người dân, doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo, trách nhiệm đối với đất nước; tạo việc làm, sinh kế cho người dân”, - Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Thủ tướng nêu rõ, tinh thần đặt ra là phải chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm hiệu quả trong chỉ đạo điều hành.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội
“Theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”, - ông nói và nhắc nhở phải nêu cao tinh thần tự giác, chủ động, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu và kiên quyết không lùi bước trước khó khăn.
Vẫn phong cách như mọi khi, Thủ tướng khẳng định, đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm cao hơn; đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực lớn hơn; đã hành động quyết liệt rồi thì phải hành động quyết liệt hơn nữa.

Kiên quyết không để thiếu điện, thiếu xăng dầu

Về ngân sách, phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi, nhất là cắt giảm chi thường xuyên không cần thiết, hội họp; tăng cường quản lý giá cả, thị trường; bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
“Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; lưu ý tập trung triển khai các công trình truyền tải điện, phát điện”, - Thủ tướng nhắc nhở.
Quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI; củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Thủ tướng Việt Nam cũng đề nghị thúc đẩy Trung Quốc sớm dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam; đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; có giải pháp mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; khẩn trương gỡ thẻ vàng IUU.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực.
“Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam”, - Thủ tướng nêu.
Về giải ngân đầu tư công, Thủ tướng lưu ý, phấn đấu tỷ lệ giải ngân cả năm 2024 tối thiểu đạt 95%; phân bổ sớm 33,5 nghìn tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024.

Hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém trong quý 1

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài.
Về điều hành chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bảo đảm lưu thông tiền tệ tốt hơn, cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi Nghị định của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.
“Hoàn thành việc định giá, hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém trong Quý I/2024”, - Thủ tướng lưu ý với NHNN và các cơ quan liên quan.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu
Cùng với đó, hoàn thiện các phương án xử lý các dự án yếu kém, tồn đọng như Thép Việt - Trung, Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2, Đóng tàu Dung Quất, Bột giấy Phương Nam…
“Trong đó khẩn trương kiện toàn nhân sự lãnh đạo tại các đơn vị, dự án theo quy định của Đảng, không có cơ chế chỉ định thầu trong công tác cán bộ”, - Thủ tướng quán triệt.
Tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao.
Thảo luận