Ai chống lưng cho chủ dự án sân golf Đồi Cù Đà Lạt?

Tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu chủ đầu tư dự án sân golf Đồi Cù Đà Lạt là Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL tháo dỡ các hạng mục sai phạm trước ngày 25/1.
Sputnik
Tuy nhiên, đến nay, các khối công trình vẫn chưa được tháo dỡ theo đúng thời gian quy định. Có dư luận đặt vấn đề, ai chống lưng cho chủ dự án sai phạm này, đồng thời, có hay không việc phạt cho tồn tại.
Trả lời về dự án, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng khẳng định, cứ căn cứ làm đúng luật thôi. Luật quy định thế nào thì làm thế ấy, không có chuyện phạt xong cho tồn tại hay hợp thức hóa gì.

Dư luận băn khoăn liệu dự án sân golf Đồi Cù có phạt cho tồn tại?

Báo Thanh Niên cho hay, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, ngày 4/3 đã cung cấp một số thông tin cho báo chí liên quan những vi phạm cũng như hướng xử lý tại dự án Tòa nhà CLB Golf trong sân golf Đồi Cù.
“Nếu chủ đầu tư được chuyển mục đích theo quy mô về đất đai đầy đủ thì Sở Xây dựng sẽ cấp phép”, vị lãnh đạo cho biết tại Hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí do tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày hôm nay.
Đến nay, dù đã quá hạn, nhưng công trình sai phạm vẫn chưa bị tháo dỡ. Dư luận thậm chí còn đặt câu hỏi, ai chống lưng, vì sao toà nhà sân golf Đồi Cù vốn đã được xác định là cụm công trình sai phép và không phép, thậm chí còn sai quy hoạch khi chắn núi Langbiang, biểu tượng Đà Lạt - cao nguyên Lâm Viên, theo hướng nhìn từ hồ Xuân Hương mà vẫn chưa được xử lý.
Vì sao Lâm Đồng từ chối cấp phép tòa nhà sân golf Đồi Cù Đà Lạt?
Nhiều người băn khoăn, liệu chính quyền có “phạt cho tồn tại” đối với Công ty Hoàng Gia ĐL và công trình xây dựng không phép này hay không.
Theo chính quyền Lâm Đồng, Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL (chủ đầu tư của dự án sân golf Đồi Cù Đà Lạt) được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng một phần tầng hầm khối dịch vụ, thuộc tòa nhà câu lạc bộ golf.
Tuy nhiên, tại công trình toà nhà sân golf Đồi Cù Đà Lạt đã để xảy ra 2 vi phạm.
Thứ nhất là xây dựng hạng mục công trình có một phần diện tích trên đất chưa chuyển mục đích sử dụng (130 m2).
Thứ hai là xây dựng công trình sai giấy phép với diện tích 3.294 m2 (diện tích tầng hầm được cấp phép 2.639 m2 nhưng xây dựng tầng hầm 2.900 m2, tầng trệt 1.933 m2, tầng lầu 1.100 m2).
Cạnh đó, chủ đầu tư còn xây dựng không phép 2 hạng mục công trình. Các hành vi này đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Đà Lạt xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả.
Trong đó, xây dựng hạng mục công trình trên một phần diện tích đất chưa được phép chuyển mục đích sử dụng với diện tích gần 4.500 m2 (khối dịch vụ 2.627 m2 và khối đón tiếp hơn 1.872 m2); xây dựng công trình trên diện tích đất chưa được chuyển mục đích sử dụng đã bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt vi phạm hành chính.
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt 45 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do vi phạm mà có là 527 triệu đồng. Doanh nghiệp đã chấp hành xử phạt này.
Vụ Giám đốc Sở đi đánh golf giờ hành chính: Đã có nhân sự thay thế
Tại khối Golf 1, UBND TP Đà Lạt đã xử phạt chủ đầu tư 110 triệu đồng, vi phạm tại khối Golf 2 xử phạt 130 triệu đồng; yêu cầu dừng thi công các hạng mục liên quan và thực hiện các thủ tục để được cấp phép, chuyển mục đích sử dụng đất liên quan.
Trường hợp không được cấp phép xây dựng, phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm không phù hợp theo giấy phép và thiết kế được duyệt.
Sau khi UBND thành phố Đà Lạt ban hành quyết định xử phạt hành chính, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ các hạng mục công trình tự ý xây dựng không phép, trái phép.
Được biết, toà nhà câu lạc bộ golf là hạng mục thuộc dự án Khu nghỉ mát Đà Lạt, được UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất bổ sung chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc vào dự án Khu nghỉ mát Đà Lạt từ tháng 8/2021.
Thông tin trên báo Vietnamnet cho hay, CTCP Hoàng Gia ĐL (đặt trụ sở tại số 2 Trần Phú, P.3, TP. Đà Lạt) dù có người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc là bà Lê Thị Hồng Xuân nhưng cổ đông góp vốn tại CTCP Hoàng Gia ĐL là nhóm đại gia từ TP.HCM (trong số này, cổ đông góp vốn nhiều nhất là á hậu Dương Trương Thiên Lý).
Báo cũng dẫn quyết định chấp thuận điều chỉnh lần thứ 11, dự án Khu nghỉ mát Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt vào tháng 2/2023 cho biết, tổng vốn đầu tư của dự án này là 2.050 tỷ đồng.
Trong đó gồm 848 tỷ đồng vốn góp của ba nhà đầu tư và 1.202 tỷ đồng vốn vay. Đáng nói, trong 848 tỷ đồng vốn góp của nhà đầu tư thì bà Dương Trương Thiên Lý góp 661,5 tỷ đồng, chiếm 78%; bà Nguyễn Kim Phượng góp 178 tỷ đồng, chiếm 21% và ông Trần Ngọc Nhật góp 8,5 tỷ đồng, chiếm 1% vốn góp.
Người dân Hà Nội sắp được đánh golf, lướt ván trên Hồ Tây

Không có chuyện "phạt xong cho tồn tại"

Đại diện Sở Xây dựng Lâm Đồng phát biểu cho biết, việc xử lý vi phạm tại dự án sân golf Đồi Cù Đà Lạt đang được UBND tỉnh chỉ đạo.
Cụ thể, theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, các công trình vi phạm trong dự án Tòa nhà CLB Golf vẫn đang trong thời hạn 90 ngày để xin phép xây dựng cùng các thủ tục, hồ sơ liên quan.
Khi hết thời hạn mà không được cấp phép thì chủ đầu tư phải tháo dỡ những hạng mục, công trình không phù hợp với giấy phép, thiết kế được cấp.
“Bây giờ, cứ căn cứ làm đúng luật thôi. Luật quy định thế nào thì ta làm thế ấy, không có chuyện phạt xong cho tồn tại hay hợp thức hóa gì”, báo Người lao động dẫn lời ông Trung khẳng định.
Thực tế, ngày 11/1, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo khẩn trương xử lý vi phạm xây dựng tại dự án Tòa nhà CLB Golf của Công ty Hoàng Gia ĐL.
Trong đó, giao UBND TP Đà Lạt yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm trước ngày 25/1. Quá thời hạn, nếu chủ đầu tư không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định trước ngày 15/2.
UBND TP Đà Lạt ban hành 2 quyết định xử phạt 110 triệu đồng đối với vi phạm thứ nhất và và 130 triệu đồng đối với vi phạm thứ 2; thời gian khắc phục, xin giấy phép trong thời gian 90 ngày.
Giám đốc Sở ở Bắc Ninh đi đánh golf giờ hành chính đã bị cho thôi việc ngay trước Tết
Căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan đã xem xét đề nghị của Công ty Hoàng Gia ĐL liên quan việc cấp phép, điều chỉnh giấy phép xây dựng và xử lý vi phạm tại dự án.
Ngày 29/2/2024, Sở Xây dựng đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành văn bản về đề xuất của doanh nghiệp.
Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư chấp hành và thực hiện nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Chỉ được tiếp tục thi công các hạng mục công trình sau khi hoàn chỉnh các thủ tục liên quan và được cấp phép xây dựng (hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng) theo đúng quy định pháp luật.
Thảo luận