Khi đang hành lễ, người phụ nữ nói trên có biểu hiện lên đồng, nhập "thần hổ" rồi la hét, cắn vào áo của một số khách hành hương.
Ngăn chặn hành vi mê tín dị đoan
Chiều 4/3, nói với báo Lao động, bà Trần Thị Thu Hà - Trưởng Ban quản lý khu du lịch Chùa Hương Tích - cho biết, Ban quản lý vừa phối hợp với Công an huyện Can Lộc lập biên bản, nhắc nhở bà Phan Thị Ch. (trú huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) về hành vi mê tín dị đoan khi hành lễ tại chùa Hương Tích.
Theo đó, khoảng 10h ngày 3/3, bà Ch. là một người trong đoàn du khách đến từ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đến chùa Hương Tích để làm lễ cầu an.
Khi hành lễ, bà Ch. mặc áo dài lễ phục màu đỏ, đầu đội vành mũ tán rộng, cùng một người đàn ông hộ lễ thực hiện việc cầu an tại Điện Tam Thế.
Bất ngờ, bà Ch. có biểu hiện lên đồng, nhập "thần hổ" rồi la hét. Trong đoạn clip đăng tải vụ việc trên mạng xã hội, bà này còn cắn vào áo của một số khách hành hương.
Bà Ch mặc áo đỏ, đầu đóng khăn có biểu hiện nhập "thần hổ" với biểu hiện mê tín dị đoan tại chùa Hương Tích nên đã bị lập biên bản.
Những người xung quanh thấy vậy liền chắp tay vái lạy với biểu hiện hành vi trái với tín ngưỡng, quy định những việc không được phép tại chùa.
Ngay khi phát hiện sự việc, Ban quản lý Chùa Hương tích đã phối hợp với Công an huyện Can Lộc yêu cầu đoàn du khách chấm dứt thực hiện hành vi mê tín dị đoan, đồng thời lập biên bản nhắc nhở bà Ch.
Bà Ch. sau đó đã thừa nhận hành vi của mình là sai trái, xin rút kinh nghiệm, cam kết không tái phạm.
"Theo chúng tôi, việc bà Ch. có biểu hiện giống như "lên đồng" là muốn để những người đi cùng tin theo tín ngưỡng mà bà này đang thực hiện. Do bà Ch. vi phạm lần đầu nên ngành chức năng chỉ lập biên bản nhắc nhở và yêu cầu bà Ch. dẫn đoàn du khách rời đi. Bà Ch. cũng thừa nhận hành vi sai trái và cam kết không tái phạm", - báo Thanh niên dẫn lời bà Hà.
Trường hợp đầu tiên từ đầu mùa lễ hội
Đại diện Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích khuyến cáo, du khách khi đến chùa dâng sớ cầu an không được mang vàng mã, bia rượu, tiền thật và các đồ lễ có nguồn gốc từ việc sát sinh dâng lên điện Tam Bảo, Am Phật Bà, Điện Tam Thế, Tổ Đường.
Ban Quản lý cũng khuyến cáo cấm đồ cúng có nguồn gốc động vật như gà, các loại thịt, hạn chế tối đa việc dâng cúng vàng mã tại khu vực đền Thánh Mẫu.
Trưởng Ban Quản lý Chùa Hương Tích cho biết thêm, từ đầu mùa lễ hội Chùa Hương Tích 2024 (mùng 6 tháng Giêng) đến nay, chùa mới lần đầu tiên phát hiện một trường hợp thực hiện hành vi mê tín dị đoan như bà Ch.
Chùa Hương Tích (Hương Tích cổ tự) nằm trên đỉnh núi Hồng Lĩnh có độ cao 650m so với mặt nước biển. Năm 1990, chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc danh thắng cấp quốc gia.
Năm 2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định thành lập khu du lịch chùa Hương Tích là khu du lịch cấp tỉnh.