Sập Facebook* là "tín hiệu tốt" cho Việt Nam

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, sự cố sập Facebook* là tín hiệu tốt cho Việt Nam, nhắc nhở người dân còn mạng xã hội Việt khác là Zalo đang hoạt động tốt, đồng thời, người dùng hiểu rõ hơn về bảo mật tài khoản.
Sputnik
Bộ TT&TT cũng lưu ý người dùng về phòng chống lừa đảo trực tuyến.

Facebook sập là tín hiệu tốt cho Việt Nam

Tại họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chiều nay 6/3, đại diện Bộ đã nhận định về sự cố sập Facebook ngày 5/3.
Theo ghi nhận của nhiều người dùng, tối 5/3 theo giờ Việt Nam, mạng xã hội Facebook, Instagram và ứng dụng chat Facebook Messenger của Meta gặp sự cố không truy cập được.
Bình luận về sự cố này hôm nay, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, không đề cập tới hệ lụy nhưng sự cố trên sẽ đem tới tín hiệu tốt cho Việt Nam.

"Mặc dù chúng ta chưa biết nguyên nhân dẫn đến sự cố này là gì, nhưng ở góc độ tại Việt Nam, việc này đã mang lại giá trị tích cực", - ông Trần Quang Hưng bày tỏ.

Tín hiệu tốt - theo ông Hưng - là theo 2 hướng.
"Người dân sẽ biết rằng Việt Nam có một mạng xã hội của mình đó là Zalo", - báo Người lao động dẫn lời Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin nói.
Vẫn theo ông Trần Quang Hưng, khi Facebook xảy ra sự cố, một lượng lớn người dùng đổ lên các nền tảng đang hoạt động tốt như Zalo để tìm câu trả lời.
"Sau sự cố của Facebook, người dùng được nhắc nhở rằng một nền tảng của Việt Nam vẫn có thể duy trì dịch vụ, sử dụng tốt", - VTC News dẫn phát biểu của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nói tại cuộc họp báo.
Và thứ hai, cũng từ sự cố sập Facebook này mà người dùng có biện pháp bảo mật tài khoản.
Top 3 điểm yếu của hệ thống an ninh mạng tại Việt Nam
Ông Trần Quang Hưng cho hay, tối qua 5-3, khi Facebook gặp sự cố, ông đã nhận được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của người dùng về việc phải chăng tài khoản cá nhân của mình bị hack.
"Sau sự cố này, tự mỗi người trong chúng ta có lẽ đều nhận ra rằng bản thân đang phụ thuộc nhiều vào các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Tik Tok… rồi sự cố hôm qua, nhiều người đặt câu hỏi mình có bị hack tài khoản không, và nếu bị hack rồi sẽ xử lý thế nào", - đại diện Bộ TT&TT bày tỏ.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin nêu thực trạng hiện nay nhiều tài khoản của người dùng không được bảo mật xác thực 2 bước, điều này cũng dẫn tới lý do dễ bị lừa đảo trực tuyến, bởi chỉ cần lộ mật khẩu là bị hack tài khoản.
"Sau sự cố ngày hôm qua, tôi tin rằng nhiều người dùng đã đổi mật khẩu, tạo xác thực hai bước. Điều này rất hiệu quả cho công tác tuyên truyền bảo mật tài khoản", - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.
Việt Nam lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Công an

"Chống lừa đảo trực tuyến là cuộc chiến trường kỳ và lâu dài"

Cục An toàn thông tin có thống kê cho thấy, phần lớn người dân bị lừa đảo trực tuyến là sử dụng thiết bị nằm ở nhóm thu nhập thấp, người cao tuổi.
Tất cả đối tượng tấn công, lừa đảo sử dụng cách thức như dẫn dụ người dùng cài phần mềm độc hại trên thiết bị di động; bị dụ dỗ click vào đường link lừa đảo và dụ người dùng gửi mã OTT xác thực chuyển tiền hoặc lừa chuyển tiền qua tài khoản. Lừa đảo trực tuyến mục tiêu cuối cùng vẫn là để lấy tiền, tài sản.
Để ngăn lừa đảo, ông Hưng cho rằng cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp như xử lý bài toán định danh không gian mạng, ngăn chặn sim rác, tài khoản ngân hàng rác…
"Khi các biện pháp này triển khai đồng bộ, thì lừa đảo trực tuyến giảm rõ rệt", - ông tin tưởng.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin lưu ý, ngăn chặn lừa đảo trực tuyến là cuộc đấu tranh trường kỳ, lâu dài.
Bộ TT&TT có chức năng bảo vệ người dùng trên không gian mạng, đưa ra biện pháp khác nhau để chống lừa đảo trực tuyến.
*Hoạt động Meta bị cấm trên lãnh thổ Nga
Thảo luận