Chuyên gia khẳng định, khi hai nước đã tuyên bố nâng cấp đối tác lên chiến lược toàn diện, không có lý do gì để phía Mỹ “phân biệt đối xử” với Việt Nam nữa.
Mỹ sẽ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) phía Việt Nam, cho rằng, Mỹ sẽ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
“Theo tôi được biết thì phía Mỹ đã trình lên Tổng thống Mỹ về vấn đề công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường rồi, vấn đề chỉ còn là thời gian nữa thôi”, VietnamFinance dẫn lời vị chuyên gia thông tin.
Ông Lương cũng lưu ý, việc ký văn bản công nhận chỉ còn là vấn đề thủ tục đối với phía Mỹ.
Như đã thông tin, ngày 8/9/2023, Mỹ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Mỹ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết về vấn đề này rằng, Phòng Thương mại Hoa Kỳ đang xem xét chi tiết, khẩn trương, hy vọng có thể kịp công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường vào tháng 6/2024.
Tại Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden về nâng cấp quan hệ Việt Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện ngày 10-11/9/2023, Mỹ đã “hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Mỹ”.
Vừa qua, khi làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Jose Fernandez trong khuôn khổ chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 tại San Francisco, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã đề nghị phía Bộ Ngoại giao Mỹ có ý kiến tới Bộ Thương mại Mỹ đẩy nhanh tiến trình xem xét, rà soát và sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.
Mỹ không có lý do gì để phân biệt đối xử với Việt Nam
Theo nhà đàm phán kỳ cựu Nguyễn Đình Lương, với việc hai nước đã tuyên bố nâng cấp đối tác lên chiến lược toàn diện, không có lý do gì để phía Mỹ “phân biệt đối xử” với Việt Nam nữa.
“Phía Mỹ đã ra thông điệp rất rõ ràng về việc tập trung giúp Việt Nam phát triển, và rào cản “kinh tế thị trường” giờ đây chỉ còn là vấn đề kỹ thuật”, ông Nguyễn Đình Lương nhấn mạnh.
Bộ Công Thương trước đó cho biết đã có 72 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm cả những nền kinh tế lớn như: Canada, Australia, Nhật Bản…
Vừa rồi, trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Vương quốc Anh đã có Thư chính thức của Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường.
Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.
Thông tin về vấn đề này, báo Công Thương dẫn lời ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết:
“Thời điểm ta nộp yêu cầu xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường mang tính đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ hai nước được nâng lên tầm cao mới. Các bản thông tin mà Việt Nam gửi đi có đầy đủ lập luận chứng minh nền kinh tế Việt Nam đáp ứng đầy đủ 6 yếu tố về công nhận nền kinh tế thị trường theo pháp luật Hoa Kỳ”.
Chuyên gia chỉ rõ, việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ điều tra chống bán phá giá.
Cụ thể, khi xác định giá trị thông thường để tính biên độ phá giá, Hoa Kỳ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường (nước thay thế) để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.
Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với đó, việc coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường cho phép Hoa Kỳ áp dụng thuế suất toàn quốc - là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ.
Thuế suất toàn quốc thường được Hoa Kỳ tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có nên thường bị đẩy lên rất cao và được duy trì trong tất cả các đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế.
Do đó, nếu được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trong các vụ phòng vệ thương mại tại thị trường này.
“Hiện nay, DOC đang xem xét và hạn cuối để đưa ra quyết định đối với vấn đề này là tháng 7/2024”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tiêu chí để Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường
Hiện nay có 12 quốc gia đã và đang bị Mỹ coi là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ, gồm: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Georgia, Kyrgyz, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.
Theo luật định của Hoa Kỳ, một quốc gia được xem là kinh tế thị trường phải thỏa mãn 6 tiêu chí quy định tại Mục 771 (18) (b) của Đạo luật Thuế quan 1930, bao gồm:
Mức độ chuyển đổi của đồng tiền;
Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động;
Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế;
Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân
Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả;
Các yếu tố khác.