Việt Nam vẫn “quét” đại án đăng kiểm, Công an TP.HCM bắt thêm 63 người

Từ ngày 29/02 đến 5/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam 63 bị can ở nhiều tỉnh thành, liên quan “đại án đăng kiểm”.
Sputnik
Tính đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố tổng cộng 318 bị can để điều tra về các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm.

Bắt thêm 63 bị can vụ “đại án đăng kiểm”

Ngày 10/3, báo CAND dẫn thông tin từ Công an TP.HCM cho biết, trong quá trình mở rộng điều tra “đại án đăng kiểm”, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố tổng cộng 318 bị can để điều tra về các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm.
Trong đó, chỉ riêng từ ngày 29/02 đến 5/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 63 bị can tại 10 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và các doanh nghiệp thi công, cải tạo phương tiện xe cơ giới ở nhiều địa phương trên cả nước.
Các bị can bị bắt giữ để phục vụ điều tra làm rõ về các hành vi “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Các lệnh và quyết định nói trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM phê chuẩn.
Các bị can mới bị khởi tố, bắt giam
Tổng cộng, đến nay đã có tổng cộng 318 bị can bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố do có sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm với 11 tội danh: “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Tham ô tài sản”, “Giả mạo trong công tác”, “Sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”, “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”, “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hiện cơ quan chức năng đang từng bước làm rõ hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng Kiểm định xe cơ giới cho đến Giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.

Đề ra nhiều giải pháp về quản lý hoạt động đăng kiểm

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cũng đã kịp thời báo cáo Bộ Công an kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành triển khai một loạt các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với hoạt động đăng kiểm xe cơ giới.
Các giải pháp đó bao gồm: miễn đăng kiểm xe cơ giới lần đầu, giãn cách chu kỳ đăng kiểm, phân cấp phân quyền gắn với thanh tra, kiểm soát chặt hoạt động đăng kiểm cho các địa phương…
Các bị can mới bị khởi tố, bắt giam
Việc ban hành, triển khai các giải pháp nói trên đã góp phần từng bước quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kiểm định xe cơ giới, đồng thời nâng cao an toàn phương tiện và bảo vệ tính mạng con người; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Sai phạm đăng kiểm để lại hậu quả vô cùng lớn cho xã hội

Liên quan đến đại án đăng kiểm, Cổng TTĐT Chính phủ dẫn lời Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, sai phạm trong lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Đây là sai phạm có tổ chức, đã kéo dài trong suốt nhiều năm, liên quan đến nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau, giá trị tiêu cực tính bằng tiền không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội lại vô cùng lớn.
“Một năm tai nạn giao thông làm mất đi từ 8 đến 10 nghìn người, trong đó có lỗi của đăng kiểm. Một mạng người chết đã là đặc biệt nghiêm trọng rồi, trong khi có nhiều người chết”, - ông Yên chỉ ra.
Các bị can mới bị khởi tố, bắt giam
Theo vị này, vấn đề là xử lý như thế nào để không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường trong lưu thông phát triển kinh tế xã hội, cũng như không ảnh hưởng đến người dân.
Do đó, Ban Chỉ đạo đã giao các cơ quan chức năng ngồi lại, cùng nhau bàn bạc để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp nhất.
Ông Nguyễn Văn Yên cho biết, Ban Chỉ đạo đã thống nhất phân hóa, phân loại đối tượng để xử lý. Trong đó, nguyên tắc là có tội phải xử lý, sai tới đâu xử lý tới đó. Người cần xử lý hình sự thì sẽ xử lý hình sự, còn người không cần thiết xử lý hình sự thì sẽ phân hoá xử lý bằng cách khác.
Thảo luận