Người Việt "không làm nổi con ốc vít" nhưng đóng tàu cao tốc bằng 3 chiếc Boeing?

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo vừa chia sẻ trên trang cá nhân hình ảnh về tàu cao tốc Thăng Long kèm bình luận: "Việt Nam không làm nổi con ốc vít, nhưng lại chế tạo được tàu thuỷ cao tốc lớn bằng 3 chiếc Boeing 787".
Sputnik

Đáp trả chê bai "người Việt không làm nổi cái ốc vít"

Siêu tàu cao tốc Thăng Long được xem là tàu chở khách lớn nhất hiện tại trên biển ở Việt Nam.
Giới thiệu trên website của đơn vị đóng tàu – công ty 189 cho biết, tàu Thăng Long có sức chứa 1.017 khách, với chiều dài 77,46m, rộng 11,1m.
Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, một trong những thành viên sáng lập FPT, trên trang Facebook cá nhân của mình đã ví von độ lớn của tàu bằng 3/4 chiều dài sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế, gấp hơn 3 lần chiếc máy bay Boeing 787 và lớn bằng 5 chiếc máy bay Airbus A321.
"Việt Nam không làm nổi con ốc vít, nhưng lại chế tạo được tàu thuỷ cao tốc lớn bằng 3 chiếc Boeing 787. Vâng, Việt Nam "không làm nổi con ốc vít", nhưng lại thiết kế và đóng được chiếc tàu thuỷ cao tốc 5 sao, chuyên chở hành khách trên biển có tên THĂNG LONG", - ông Đỗ Cao Bảo bày tỏ.
Được biết, hiện dòng máy bay Boeing 787 Vietnam Airlines đang khai thác có chiều dài 63,7m, và 274 ghế ngồi. Airbus A321 dài 44,5m, có 184 chỗ ngồi.
Theo ông Đỗ Cao Bảo, tàu Thăng Long được lắp 3 động cơ hiện đại nhất thế giới do Rolls Royce MTU của CHLB Đức sản xuất với tổng công suất vào khoảng gần 12.000 mã lực, giúp đạt vận tốc lên tới khoảng 32 hải lý/giờ ( tức hơn 57,6k,/h) khi chạy không tải.
"Không chỉ đóng tàu cao tốc Thăng Long, Việt Nam còn đóng được cả tàu chiến tuần tra mang tên lửa diệt hạm BPS-500, trên tàu có 8 tên lửa hành trình, cùng tổ hợp tên lửa phòng khômg tầm thấp và 2 ụ pháo phòng không", - ông Đỗ Cao Bảo tự hào nói.
Khi đưa vào vận hành, thời gian vận chuyển từ TPHCM đến Côn Đảo khoảng 4,5 tiếng và từ Vũng Tàu ra Côn Đảo mất khoảng 3,5 tiếng.
Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất tên lửa tầm thấp, đóng tàu quân sự tiên tiến

Về nhà máy Z189, đơn vị đóng tàu cao tốc Thăng Long

Công ty TNHH MTV 189 (nhà máy Z189), doanh nghiệp quốc phòng, thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Ngày 17-1-1989, Tư lệnh Quân khu 3 ban hành Quyết định 14 chuyển đổi Xưởng 10B thuộc Phòng Công binh, Bộ Tham mưu, Quân khu 3 thành Xí nghiệp 189 thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế.
Theo giới thiệu, ngoài đóng tàu cao tốc Thăng Long, nhà máy Z189 còn có nhiều sản phẩm cơ khí quân sự hiện đại, có độ chính xác cao.
Nhà máy còn đóng hàng chục tàu, hàng trăm xuồng tuần tra, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, đồng thời, tạo ra hàng vạn tấn kết cấu kim loại, gần 100 tàu và trên 1000 xuồng các loại, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước cũng như phục vụ xuất khẩu.
Công ty 189 cho biết, các sản phẩm "made in Vietnam" của nhà máy đã được xuất sang các thị trường châu Âu, châu Úc, châu Mỹ, châu Á...
Theo giới thiệu trên website của doanh nghiệp, hiện nay, Z189 sở hữu công nghệ nâng hạ tàu bằng hệ thống sàn nâng Rollroyce của Mỹ, có sức nâng hơn 3.000 tấn; công nghệ dịch chuyển tàu bằng hệ thống xe và đường chuyền đồng bộ từ xưởng đóng tàu ra sàn nâng; triển khai phóng dạng, thiết kế thi công đóng tàu bằng phần mềm Shipcontructor; gia công chi tiết cơ khí có độ chính xác cao bằng các thiết bị hiện đại, như: máy phay vạn năng, máy cắt tự động, máy tiện CNC, máy đo công suất động cơ diezen, các loại máy hàn tự động, máy lốc tôn, máy uốn ống, máy gia công cơ khí các loại, máy kiểm tra khuyết tật mối hàn, máy đo tốc độ, máy đo chiều dày tôn...
“Người khổng lồ” Viettel sẽ sản xuất tên lửa, UAV, vệ tinh viễn thám made in Vietnam
Theo Đại tá Nguyễn Văn Điều, Bí thư Đảng ủy Nhà máy Z189 phát biểu năm ngoái, nhà máy Z189 đã đóng mới hơn 100 sản phẩm tàu, thuyền, cấu kiện kim loại; trong đó có nhiều sản phẩm hiện đại, đòi hỏi về tiến độ, trình độ kỹ thuật công nghệ, chất lượng cao, như: siêu tàu khách vỏ hợp kim nhôm 1.000 chỗ lần đầu tiên được thi công đóng mới tại Việt Nam; tàu cứu hộ tàu ngầm Besant (EGS8316) và Stoker (RGS9316), tàu huấn luyện hàng không MV Sycamore (MATV2300) cho Hải quân Hoàng gia Australia; tàu cung ứng thuyền viên cao tốc FCS5009, FCS3307, FCS2610 cho Tập đoàn Damen (Hà Lan); sà lan chuyên dụng xuất khẩu sang Australia; 4 tàu cao tốc Manta MT17 xuất khẩu sang Singapore... mang lại doanh thu kinh tế chiếm trên 55% tổng giá trị doanh thu hằng năm.
Công ty cũng đóng mới thành công các gam tàu quân sự có yêu cầu kỹ thuật cao, trang bị hiện đại, như: tàu chở quân K122, tàu tuần tra đa năng cỡ lớn DN 2000 (CSB 8001, CSB 8004) lần đầu tiên thi công đóng mới tại Việt Nam, tàu quân y 561 (Khánh Hòa - 01) được mệnh danh là "Bệnh viện trên biển".
Nhờ đóng mới thành công 2 tàu cứu hộ tàu ngầm cho Hải quân Hoàng gia Australia, Nhà máy đã được Bộ Quốc phòng tin tưởng giao nhiệm vụ đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316 (số hiệu 927-Yết Kiêu) cho Quân chủng Hải quân.
Đại tá Nguyễn Văn Điều khẳng định, Z189 là đơn vị mạnh dạn đi đầu trong áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và cho ra đời các loại tàu vận tải, tàu tuần tra cao tốc, tàu đổ bộ, tàu chỉ huy huấn luyện chiến đấu, tàu cứu nạn tự phục hồi cân bằng và các loại xuồng bằng vật liệu hợp kim nhôm. Nhà máy cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam làm chủ công nghệ đóng tàu vỏ nhôm.

"Khi xác định đây là dòng sản phẩm chủ lực, Z189 đã đầu tư mạnh mẽ về máy móc, thiết bị, con người; cử cán bộ ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm. Vì thế, hiện chưa có doanh nghiệp đóng tàu nào tại Việt Nam có thể cạnh tranh được với Z189 về công nghệ đóng tàu vỏ nhôm", - Đại tá Điều nói.

Cùng với làm chủ công nghệ, nhà máy cũng tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, từ sản phẩm tàu 1 thân, 2 thân, nhà máy đã nghiên cứu, chế tạo thành công một số sản phẩm quốc phòng có hàm lượng kỹ thuật cao, sử dụng thực tế tại các đơn vị đạt chất lượng tốt.
Tại Nhà máy Z189 hạ thủy siêu tàu cao tốc lớn nhất Việt Nam mang tên Thăng Long
Đáng chú ý, các tàu khác do đơn vị Z189 đóng còn có tàu Phú Quốc Express 27 và Phú Quốc Express 18 (khai thác tuyến Rạch Giá – Phú Quốc), Phú Quý Express (khai thác tuyến Phan Thiết – Phú Quý), Mai Linh Express (khai thác tuyến Cần Thơ – Công Đảo), theo báo Người đưa tin.
Về tình hình kinh doanh, báo cáo cho thấy, doanh thu của nhà máy giai đoạn 2019-2023 đạt gần 4.500 tỷ đồng.
Nhà máy Z189 cũng đã nộp ngân sách bình quân trên 60 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động hơn 14,5 triệu đồng/người/tháng; riêng năm 2023 đạt 15 triệu đồng/người/tháng.
Theo Thượng tá Đào Minh Thắng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV 189, những năm tới, nhà máy sẽ tập trung khai thác mọi lợi thế, tiếp tục xây dựng, phát triển Z189 thành cơ sở đóng tàu quân sự tiên tiến, hiện đại, ngang tầm khu vực, đáp ứng yêu cầu đóng mới, sửa chữa và bảo đảm kỹ thuật cho các tàu quân sự.
Thảo luận