Khánh thành nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1

HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 13/3, tại Khu Kinh tế Vân Phong (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vân Phong tổ chức lễ khánh thành nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 .
Sputnik
Dự án này góp phần cung cấp thêm 8,5 tỷ kWh/năm, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng điện năng toàn quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, được đầu tư bởi tập đoàn Sumitomo Nhật Bản.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đi vào hoạt động sẽ góp phần bảo đảm cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia, cũng như hân hoan chào mừng việc nâng cấp quan hệ hai nước Việt Nam – Nhật Bản lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tháng 11/2023 vừa qua.
Siết an ninh, bảo vệ 3 lớp khi bảo dưỡng nhà máy lọc dầu Dung Quất
“Về phía Bộ Kế hoạch - Đầu tư, chúng tôi cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ tập đoàn triển khai có hiệu quả Dự án tại Khu kinh tế Vân Phong nói riêng; đồng thời tiếp tục triển khai thành công các hoạt động đầu tư, kinh doanh nói chung tại Việt Nam”, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn với các dự án đầu tư của Tập đoàn Sumitomo tại Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, mở rộng chuỗi cung ứng trong nước gắn với chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam được học hỏi, được đào tạo và tham gia vào các khâu quan trọng trong quá trình sản xuất của các dự án.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh dự án được hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành sẽ có sức lan tỏa, thúc đẩy, thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong, phát triển công nghiệp địa phương, tạo sức bật cho nền kinh tế tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung bộ, đồng thời tạo ra nhiều việc làm, đóng góp cho ngân sách địa phương với dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Hirokazu Tsuru, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vân Phong cho rằng, để dự án hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành như hiện nay, vai trò quản lý, điều hành và hỗ trợ cho doanh nghiệp của các cơ quan chức năng Việt Nam rất quan trọng; trong đó, có sự hỗ trợ và hợp tác đầy tin cậy của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi hoàn thành đường dây 500 kV Vân Phong- Thuận Nam và Trạm biến áp Vân Phong trong một thời gian ngắn, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các công ty thuộc EVN trong quá trình xây dựng và thử nghiệm nhà máy.
Đại gia đứng sau dự án cảng Mỹ Thủy hơn 14.000 tỷ sắp khởi công ở Quảng Trị
“Tập thể Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vân Phong tự tin có thể đóng góp cho nền kinh tế-xã hội của Việt Nam thông qua quá trình vận hành ổn định của nhà máy cũng như tích cực triển khai, tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, an sinh xã hội tại địa phương,” ông Hirokaru Tsuru nói.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 được khởi công năm 2019 tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, nằm trong Khu kinh tế Vân Phong, với tổng mức đầu tư gần 2,58 tỷ USD, gồm 2 tổ máy có tổng công suất lắp đặt 1.432MW, công suất tinh 1.320MW, với hình thức xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) theo Hợp đồng BOT ký bởi Bộ Công Thương đại diện cho Chính phủ Việt Nam và sẽ được bàn giao cho Chính phủ Việt Nam sau 25 năm vận hành, kinh doanh.
Sau hơn 4 năm thi công, vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, toàn bộ nhà máy đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại từ ngày 24/1/2024, hoàn thiện sớm trước thời hạn cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Đây cũng là một trong những công trình chào mừng sự kiện nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.
Thảo luận