Đại diện SCB cho biết, còn nhiều tài sản có nguồn gốc từ tiền phạm tội mà có nên nhà băng này đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục áp dụng các biện pháp truy tìm tài sản của bà Lan và Vạn Thịnh Phát chưa kê biên để xử lý nợ
SCB đòi bà Trương Mỹ Lan khắc phục hơn 760.000 tỷ đồng
Chiều 14/3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bà Trương Mỹ Lan cùng các bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.
Trong vụ án, Ngân hàng SCB được xác định là bị hại. Nhà băng cũng cử đại diện tham gia với 2 tư cách là bị hại đối với hành vi tham ô tài sản và người có quyền và nghĩa vụ liên quan đối với hành vi vi phạm về ngân hàng) về một số nội dung trong cáo trạng.
Như Sputnik đã thông tin trước đó, theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong các quy định cho vay, gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.091 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại phiên xử, ông Hà Thế Định, Phó Tổng giám đốc, người đại diện theo ủy quyền của SCB nêu quan điểm không đồng ý với thiệt hại đã kết luận.
Ông Định cho rằng, số tiền thiệt hại mà SCB phải chịu do những hành vi vi phạm của các bị cáo trong vụ án tạm tính đến 17/10/2022 là 677.286 tỷ đồng; số liệu tính đến ngày mở phiên tòa sơ thẩm (5/3/2024) là 760.279 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại 482.449 tỷ đồng tiền gốc, hơn 277.830 tỷ đồng lãi/phí.
Đối với 1.166 mã tài sản đảm bảo cho gần 1.300 khoản vay của nhóm bà Lan và các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, SCB đề nghị được toàn quyền khai thác, sử dụng quản lý mà không phụ thuộc vào tính pháp lý của tài sản có thế chấp hay không, đề nghị hoàn trả cho SCB tất cả các vật chứng.
Với tài sản là vật chứng bị kê biên trong vụ án, có nguồn gốc từ việc các bị cáo phạm tội, rút từ SCB mà có, SCB cũng đề nghị tòa tuyên cho ngân hàng toàn quyền quản lý.
Về hoán đổi tài sản, SCB cũng đề nghị thu hồi 240 tài sản hoán đổi và các tài sản hoán đổi khác giao cho SCB quản lý.
“Tiếp tục kê biên các tài sản của bị cáo Lan và các bị cáo khác, các cá nhân, cơ quan tổ chức có liên quan để thu hồi và khắc phục hậu quả và giao cho SCB quản lý”, đại diện nhà băng SCB nêu rõ.
Ông Định nêu rõ, các công ty thẩm định giá có người tham gia vào việc nâng khống tài sản thế chấp, gây thiệt hại cho ngân hàng, phải có trách nhiệm liên đới bồi thường.
Với những tài sản hoán đổi, thoát ly ra khỏi SCB, đại diện ngân hàng yêu cầu thu hồi toàn bộ để khắc phục hậu quả và đề nghị HĐXX tiếp tục truy tìm các tài sản của bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa bị kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo cho SCB.
Trong trường hợp không tự thỏa thuận được với người liên quan thì sẽ yêu cầu cơ quan thi hành án hỗ trợ.
Trước đó, trong phần trả lời trong phiên tòa chiều 13/3, bà Lan không đồng ý với cách tính thiệt hại cũng như kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân cũng như SCB.
Bà chủ Vạn Thịnh Phát cho rằng, giá trị các tài sản đảm bảo được công ty này và SCB thẩm định với giá trị quá thấp, nên xin HĐXX cho thẩm định lại.
Vợ đại gia Nguyễn Cao Trí xin nộp 266 tỷ khắc phục hậu quả
Cũng tại phiên toà hôm nay, Chủ toạ cho biết, bà Bùi Thị Vân Anh, vợ bị cáo Nguyễn Cao Trí đã nộp đơn đề nghị khắc phục thêm hậu quả và xin nộp thêm 266 tỷ đồng ngay trong vụ án.
Bản thân bị cáo Trí cho rằng có một số tài khoản của bị cáo bị phong tỏa và một số người nợ tiền bị cáo nên đề nghị HĐXX hỗ trợ để khắc phục hậu quả.
Trong vụ án này, ông Trí bị cáo buộc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (khoản 4 điều 175 bộ luật Hình sự, có khung hình phạt phạt tù từ 12 - 20 năm).
Theo VTC News, trong giai đoạn điều tra, gia đình bị cáo Trí đã khắc phục hơn 700 tỷ đồng, phong tỏa tài sản hơn 300 tỷ đồng.
Chủ toạ đã hỏi vợ ông Trí về thời gian nào nộp lại số tiền 266 tỷ đồng, bà Vân Anh xin tòa thời hạn 3 tháng để thu xếp".
“Ba tháng thì phiên tòa này đã kết thúc”, chủ toạ nói.
Bà Bùi Thị Vân Anh khẳng định sẽ cố gắng sắp xếp nguồn tiền.
“Còn 400 cá nhân thiếu nợ 1.500 tỷ đồng, chúng tôi sẽ cố gắng. Xin HĐXX tạo điều kiện cho chúng tôi thu nợ để khắc phục hậu quả”, bà nói.
HĐXX đề nghị luật sư hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Cao Trí. Vị Chủ toạ cho rằng, HĐXX ghi nhận thiện chí muốn khắc phục hậu quả của bị cáo Trí và vợ.
Đồng thời, HĐXX giải thích là việc khắc phục hậu quả phải thực hiện trước khi HĐXX tuyên án để xem xét, còn về tài khoản bị phong tỏa, gia đình có thể báo với CQĐT để hỗ trợ khắc phục.
“Đại diện gia đình xin cam kết với HĐXX thu xếp khắc phục hơn 260 tỷ đồng tiền mặt còn lại ngay trong quá trình xét xử vụ án này”, vợ ông Nguyễn Cao Trí khẳng định.