Để giảm thiểu tai nạn giao thông ở nhóm người dưới 18 tuổi, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, phải tổ chức sát hạch giấy phép lái xe cho cho đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi như sát hạch giấy phép lái xe hạng A1 và phải đưa vào trung tâm sát hạch chính quy.
Đề nghị có giấy phép lái xe cho người từ 16 đến dưới 18 tuổi
Sáng 15/3, Phiên họp 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Phát biểu tại đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu quan điểm, người điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cc hoặc xe máy điện từ 16 đến dưới 18 tuổi phải có giấy phép lái xe.
"Đối tượng trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cc hoặc xe máy điện thì chúng tôi tha thiết đề nghị có giấy phép lái xe. Có thể gọi là giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ cũng được", báo điện tử VTC News dẫn lời ông Khuất Việt Hùng bày tỏ.
Thông tin đến các vị đại biểu, ông Khuất Việt Hùng dẫn thống kê năm 2023 có khoảng 2.300 người dưới 18 tuổi thương vong do tai nạn giao thông, trong đó có hơn 1.000 người chết.
"80% nhóm này rơi vào tuổi 15 cho đến dưới 18 tuổi và đa số là các cháu tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông", ông nói.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đánh giá, dự thảo Luật vẫn đang còn "khoảng trống" dù khoản 3, Điều 7 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định:
"Trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn theo quy định cho học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi học tại cơ sở giáo dục đó".
Nói thêm, ông Hùng đặt vấn đề, không biết là hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn ở đây theo quy định nào và ai quy định? Lực lượng Cảnh sát giao thông đến hướng dẫn thì có chứng chỉ đào tạo về kỹ năng lái xe an toàn hay không, có đủ điều kiện hay không? Bên cạnh đó, giao cho trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì thì sẽ dẫn đến tình trạng quá tải bởi không có cơ sở vật chất để tổ chức.
Từ đó, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị phải tổ chức sát hạch giấy phép lái xe cho cho đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi.
"Phải sát hạch như sát hạch giấy phép lái xe hạng A1, phải đưa vào trung tâm sát hạch chính quy. Hiện nay chúng ta đã xã hội hóa cái này rất mạnh rồi và hoàn toàn có thể làm", ông Hùng nhấn mạnh.
Cần có quy định về xe scooter, vali điện
Ông Khuất Việt Hùng cũng đề cập đến nội dung trong dự thảo luật không đề cập đến xe scooter (xe điện mini), vali điện tham gia giao thông và ông đề nghị phải cấm loại phương tiện này tham gia giao thông công cộng.
Ông cho biết, xe Scooter và vali điện đang là vấn nạn rất lớn về an toàn giao thông ở chính các quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ.
"Nếu chúng ta không đưa vào luật, không quy định thì phải nghiêm cấm phương tiện này tham gia giao thông trên đường phố", Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia lưu ý.
Theo ông Khuất Việt Hùng, xe scooter, vali điện tham gia giao thông trên đường phố Việt Nam và có tình trạng lạng lạch, đánh võng nhưng luật chưa quy định nên lực lượng chức năng khó có căn cứ để xử lý.
So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 08 điều do bổ sung 05 điều mới; gộp 04 điều thành 02 điều; tách nội dung của một số điều thành 05 điều khác.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo.
Phát biểu tại phiên họp hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Thường vụ hội tập trung cho ý kiến về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; về bổ sung quy định đấu giá biển số xe; bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe, đề xuất trích 70% tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông cùng nhiều vấn đề đại biểu quan tâm.