Chưa có kết luận cuối cùng về vụ 345 người nhập viện sau khi ăn cơm gà Trâm Anh

Liên quan vụ hơn 345 người nhập viện sau khi ăn cơm gà, đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân vụ việc.
Sputnik
Theo lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hoà, một vài bệnh viện bước đầu đã xét nghiệm và tìm ra vi khuẩn Salmonella để có hướng điều trị cho bệnh nhân.

Quán cơm gà Trâm Anh nói gì sau vụ hơn 300 người nghi ngộ độc?

Liên quan vụ nghi ngộ độc sau khi ăn cơm gà ở Nha Trang, sáng 16/3, báo Tiền Phong dẫn lời đại diện quán cơm gà Trâm Anh cho biết, quán đã tích cực liên hệ với các nạn nhân, trực tiếp đến các bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị để hỏi thăm, đưa ra hướng giải quyết tốt nhất. Ngoài ra, gia đình cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Trước đó, khi nhận được thông tin hàng trăm người nhập viện sau khi ăn cơm gà của quán mình, đại diện quán Trâm Anh đã có bài viết đăng tải trên xã hội, bày tỏ xin lỗi, nhận trách nhiệm về mình.
“Quán tôi đã hoạt động hàng chục năm, là một trong những quán cơm gà nổi tiếng tại Nha Trang, tôi rất tiếc khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn này. Đến nay, gia đình tôi đã chủ động thanh toán viện phí cho hơn 70 trường hợp và sẽ tiếp tục liên hệ các bệnh nhân để khắc phục hậu quả”, báo Tiền phong dẫn lời đại diện quán ăn này.
Vụ hàng trăm người ngộ độc do cơm gà: Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo gì?
Trong khi đó, một thực khách của quan là chị Hồng Nhung (trú tại TP. Nha Trang) cho biết, Trâm Anh là quán ăn khá nổi tiếng với người dân địa phương cũng như du khách. Ngày 11/3, chị đến quán ăn một phần cơm gà gồm: cơm, gà luộc, rau và sốt. Khi ăn, chị thấy các món không có mùi vị gì bất thường. Tuy nhiên, đến tối, chị bắt đầu có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy, sốt nặng, phải nhập viện.
“Sau 3 ngày điều trị tôi đã bớt tiêu chảy nhưng chuyển sang nhạt miệng, tê lưỡi và lả người. Phía đại diện quán nói sẽ đến thăm và làm việc nhưng hiện tại tôi vẫn chưa thấy”, chị Hồng Nhung cho hay.
Tính đến 15h ngày 15/3, Khánh Hòa đã ghi nhận 345 trường hợp nhập viện điều trị nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm gà ở quán Trâm Anh. Trong đó, có 201 ca đang điều trị nội trú tại các bệnh viện tại địa phương.
Đặc biệt, có một sản phụ diễn biến nặng, đã được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, được các y bác sĩ theo dõi và điều trị sát sao.
Sở Y tế Khánh Hòa yêu cầu các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân theo hướng nhiễm trùng, nhiễm độc đường tiêu hóa do tác nhân Salmonella, với kết quả tham khảo kháng sinh đồ sớm nhất từ Bệnh viện Đa khoa Vinmec.

Vẫn đang chờ kết luận nguyên nhân chính xác

Cho biết thêm thông tin, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa Trịnh Ngọc Hiệp lưu ý, việc cấy phân nhanh tại bệnh viện chỉ là thao tác bước đầu để định hướng điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, phác đồ kháng sinh sẽ tập trung vô khuẩn Salmonella.
Tuy nhiên, các cơ sở y tế vẫn phải chờ kết quả cấy máu, cấy sinh đồ, từ các thực phẩm, nếu khuẩn trên bệnh nhân tương ứng với khuẩn trên thực phẩm mới có thể khẳng định nguyên nhân gây ngộ độc. Hiện các cơ quan chuyên môn đang tăng cường tập trung xét nghiệm các mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xác định nguyên nhân vụ việc.
Như Sputnik đã đưa tin trước đó, ngày 15/3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có Công văn gửi Sở Y tế Khánh Hòa đề nghị chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tập trung nguồn lực điều trị cho bệnh nhân, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên.
Phát hiện tình tiết bất ngờ vụ ngộ độc đêm Trung thu
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu tạm thời đình chỉ cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định.
Đồng thời, tiến hành lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm chuyển gấp tới đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định gần nhất để xét nghiệm, làm rõ nguyên nhân và công khai kết quả nhằm kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Tối 15/3, báo Sức khoẻ và đời sống dẫn lời BS. Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của vụ ngộ độc, kết quả vẫn phải chờ Pasteur Nha Trang, khi nào có sẽ công bố.
“Bước đầu, một vài bệnh viện xét nghiệm và tìm ra vi khuẩn Salmonella là để có hướng điều trị, chứ chưa phải là nguyên nhân vụ ngộ độc mà ngành y tế địa phương kết luận”, ông Minh nói.
Thảo luận