Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (Cục Cảnh sát kinh tế) cũng đã yêu cầu tỉnh Khánh Hòa cung cấp các nội dung trên cho đơn vị này để phục vụ điều tra.
Khánh Hoà kiểm tra toàn bộ dự án liên quan Tập đoàn Phúc Sơn
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tiếp tục có công văn chỉ đạo liên quan đến các dự án, công trình liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các công ty thành viên của doanh nghiệp này.
Đây là động thái đáng chú ý, đặc biệt là đặt trong bối cảnh mới nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung vụ án về các tội "Nhận hối lộ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" xảy ra tại tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Quãng Ngãi, tỉnh Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan.
Như Sputnik đã thông tin, 9 bị can, trong đó có 2 lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc là bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (hiện đã bị đình chỉ tư cách ĐBQH - PV), Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bị bắt về tội nhận hối lộ quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ lời khai của Chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu “pháo”), Bộ Công an cũng bắt thêm các bị can tại Vĩnh Long, Quảng Ngãi cùng các đơn vị liên quan.
Tại Quảng Ngãi, trong 9 bị can này cũng có Chủ tịch UBND tỉnh và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi gồm ông Cao Khoa, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và ông Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi.
Cũng như quan chức Vĩnh Phúc, ông Cao Khoa và ông Đặng Văn Minh cùng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Nhận hối lộ", quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Ở địa phương này, công an còn bắt ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi; ông Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật & Chất lượng Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi; ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nguyên Trưởng phòng Quản lý Đầu tư Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi và ông Phạm Ngọc Cương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn, cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Tại Vĩnh Long, ông Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long bị bắt về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại khoản 3 Điều 366 Bộ luật Hình sự.
Khẩn trương kiểm tra các dự án Phúc Sơn đầu tư dang dở tại Khánh Hòa
Trong công văn mới phát đi, UBND tỉnh Khánh Hoà đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND TP Nha Trang, UBND huyện Diên Khánh, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan, đơn vị liên quan khác "khẩn trương làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn để kiểm tra, rà soát các dự án công trình mà công ty này đang đầu tư hoặc thi công trên địa bàn tỉnh".
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, một trong các yêu cầu của việc kiểm tra, rà soát các dự án, công trình đó là để xác định rõ việc tiếp tục đầu tư, thi công của Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đối với các dự án dang dở và các khó khăn, vướng mắc hiện nay”.
Khánh Hoà cũng yêu cầu 11 sở, cơ quan kể trên cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án xử lý đối với các khó khăn, vướng mắc tại các dự án, công trình dang dở của Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, trình UBND tỉnh trước ngày 30/3/2024.
Ngày 27-2, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã chỉ đạo các đơn vị, sở ngành kể trên và Cục Thuế tỉnh, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố cung cấp toàn bộ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; thực hiện đầu tư, xây dựng.
Khánh Hoà cũng yêu cầu kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế; thanh tra, kiểm tra… các dự án, công trình do Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các công ty thành viên làm chủ đầu tư, thi công trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (Cục Cảnh sát kinh tế).
Theo Cục Cảnh sát kinh tế, việc yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu đã nêu là để phục vụ công tác điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, kế toán, đầu tư, thực hiện các dự án, công trình xây dựng xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan.
Theo Vietnamnet, tại Khánh Hòa, Phúc Sơn vướng nhiều lùm xùm liên quan dự án khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang (sân bay cũ Nha Trang).
Theo đó, doanh nghiệp của ông Hậu “pháo’ được giao đất nhưng chỉ mới làm hạ tầng. Bên trong vẫn còn ngổn ngang, cỏ mọc um tùm.
Phúc Sơn cũng bị tỉnh Khánh Hòa yêu cầu nộp hơn 11.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, nhưng doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Ngoài ra, tập đoàn Phúc Sơn còn được UBND tỉnh Khánh Hòa giao thực hiện 3 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) về giao thông. Các dự án được triển khai nhiều năm, nhưng vẫn chưa hoàn thiện, cử tri cũng liên tục nêu ý kiến.
Cạnh đó, Công ty Phúc Sơn còn là chủ đầu tư hai dự án khu đô thị, gồm: Phúc Khánh 1, Phúc Khánh 2 ở TP Nha Trang và huyện Diên Khánh. Hai dự án này sau gần 10 năm vẫn chưa xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.