Theo khảo sát của Thanh Niên, trên tất cả các trang bán vé máy bay trực tuyến cũng như trên trang web chính thức của Vietnam Airlines, tất cả các chuyến bay từ hôm nay cũng đã không còn hiển thị cái tên Pacific Airlines.
Nguyên nhân là do hãng này hoàn tất việc thanh toán và trả nợ cho chủ tàu bay. Áp lực các khoản nợ từ giai đoạn trước, thậm chí càng căng thẳng hơn trong giai đoạn dịch bệnh khiến doanh thu không đủ bù chi, càng bay càng lỗ.
Thời gian qua, lãnh đạo Pacfic Airlines liên tiếp đàm phán để giãn, hoãn nợ với chủ tàu, cơ bản đã đạt nhiều thoả thuận quan trọng, giảm áp lực nợ.
Để tránh xáo trộn thị trường thời gian tới, Pacific Airlines sẽ thuê khô máy bay từ Vietnam Airlines để duy trì AOC (chứng chỉ khai thác máy bay).
Hiện Vietnam Airlines vẫn chưa có thông báo chính thức về kế hoạch duy trì hoạt động của Pacific Airlines trong thời gian tới, đồng thời việc đàm phán trả máy bay đạt kết quả thế nào. Song, ước tính, việc các hãng cho thuê tàu nhận lại toàn bộ đội bay có thể giúp Pacific Airlines xóa được khoản nợ "khủng" lên tới vài trăm triệu USD.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Vietnam Airlines xác nhận Pacfic Airlines đang tiến hành tái cấu trúc đội bay của hãng để gia tăng hiệu quả, tối ưu chi phí.
Trong giai đoạn này, Vietnam Airlines sẽ duy trì hỗ trợ cần thiết bằng cách hỗ trợ máy bay, trong đó khả năng "điều" máy bay thuê ướt (thuê máy bay và phi hành đoàn) của Vietnam Airlines hỗ trợ khách của Pacfic Airlines.
Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam, từng được hãng hàng không Qantas Group của Úc rót tiền đầu tư. Tháng 10/2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại. Đến quý I/2022, thương vụ này đã hoàn tất và Vietnam Airlines nắm giữ gần 99% cổ phần tại Pacific Airlines kể từ đó đến nay.
Theo báo cáo thường niên của Vietnam Airlines, trong năm 2022, Pacific Airlines ghi nhận tổng doanh thu năm 2022 gần 3.487 tỉ đồng, lỗ trước thuế 2.096 tỉ đồng, giảm lỗ 212 tỉ đồng so với năm 2021.
Với 3 năm liền lỗ trên 2.000 tỉ đồng/năm từ sau giai đoạn COVID-19, ước tính hiện lỗ lũy kế của Pacific Airlines đến cuối năm 2022 đã lên hơn 10.700 tỉ và vốn chủ sở hữu âm 6.700 tỉ đồng.