Theo đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%. Khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73%; khu vực dịch vụ chiếm 43,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.
Về sử dụng GDP quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,93% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 56,77% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 4,69%, đóng góp 24,07%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,08%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 19,16%.
Quý I, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, CPI quý I năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân, như giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng; chỉ số giá, điện nước tăng do nhu cầu sử dụng và điều chỉnh tăng giá; điều chỉnh giá dịch vụ y tế, học phí…
Lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,77%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Quý I cũng chứng kiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhộn nhịp, đạt hơn 178 tỷ USD. Mức này tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu thêm 17%, nhập khẩu gần 14%. Cán cân thương mại vẫn nghiêng về thặng dư, khi Việt Nam xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Tiêu dùng nội địa xu hướng phục hồi, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3 ước đạt 509.300 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước đó. Mức này cũng cao hơn 9,2% so với cùng kỳ 2023. Tính chung quý I, tiêu dùng trong nước tăng 8,2% cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá là 5,1%), đạt gần 1,54 triệu tỷ đồng.