Ngày 30/03/2024, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) đã nộp báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC.
Nhiều chênh lệch
So với báo cáo tự lập được công bố trước đó, doanh thu hợp nhất năm 2023 của Hòa Bình không có chênh lệch lớn, ghi nhận đạt 7.537 tỷ đồng – giảm 47% so với năm trước.
Tuy nhiên, lỗ sau thuế sau kiểm toán đã tăng thêm 333 tỷ đồng, ghi nhận con số 1.115 tỷ đồng. Do đó, lỗ lũy kế tính đến thời điểm cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, đưa vốn chủ sở hữu (VCSH) của Hoà Bình xuống còn 93 tỷ đồng thay vì 453,6 tỷ đồng như trong báo cáo tự lập.
Lỗ sau thuế của Hòa Bình biến động mạnh chủ yếu liên quan đến chi phí quản lý doanh nghiệp. HBC tự lập khoản phí này tốn 482,9 tỷ đồng, trong khi báo cáo kiểm toán đưa ra con số 757,7 tỷ đồng, tăng 57%.
Điểm đáng chú ý là việc trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Hòa Bình, vốn chủ sở hữu ghi nhận 93 tỷ, một con số quá nhỏ so với doanh thu và quy mô của một tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam như Xây dựng Hoà Bình.
Trong khi đó, tại báo cáo quản trị 2023 công ty tự lập vốn chủ sở hữu khoảng hơn 5.538 tỷ đồng, cao gấp gần 60 lần so với báo cáo tài chính kiểm toán.
Nguyên nhân được cho là trong báo cáo tự nhập, Hòa Bình hoàn nhập hơn 310 tỷ đồng từ trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Trong khi đókiểm toán AASC không ghi nhận khoản hoàn nhập trên mà vẫn thống kê chi phí dự phòng 417,5 tỷ đồng.
Kiểm toán AASC cho biết, Hòa Bình đang trong quá trình làm các thủ tục đảm bảo cho một số khoản tạm ứng để bổ sung các bằng chứng thích hợp và đầy đủ về giá trị có thể thu hồi.
Tính đến thời điểm phát hành báo cáo, AASC chưa thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính hợp nhất có liên quan đến các khoản tạm ứng này hay không.
Đơn vị này cho biết chưa thể thu thập đủ các thư xác nhận cho khoảng 4.100 tỷ đồng các khoản phải thu, chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Xây dựng Hoà Bình nói gì?
Trong chiều 30/3, Hoà Bình cũng đã có nội dung lý giải việc vốn chủ sở hữu riêng của công ty mẹ là 893 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hợp nhất là 93 tỷ đồng.
Theo Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, sự chênh lệch rất lớn (gần 60 lần) giữa vốn chủ sở hữu của Hòa Bình theo Báo cáo quản trị so với Báo cáo tài chính kiểm toán là do đơn vị kiểm toán áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và “theo quan điểm rất thận trọng”.
Báo cáo quản trị của Hoà Bình là báo cáo do Khối Tài chính kế toán của Tập đoàn lập dựa vào đặc thù của hoạt động xây dựng và những thông tin số liệu sát với thực tế của thị trường và của tập đoàn.
“Trong báo cáo quản trị này, chúng tôi chỉ xác định những số liệu liên quan đến vốn chủ sở hữu của Tập đoàn chưa phù hợp với thực tế khi áp dụng chế độ kế toán của Việt Nam chứ không thay đổi bất cứ một số liệu nào khác”, TTXVN dẫn đại diện Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết.
Theo Báo cáo quản trị, giá các bất động sản được định theo giá thị trường trong khi trong Báo cáo tài chính kiểm toán được ghi nhận theo giá gốc (tức theo nguyên giá hay nói một cách khác là giá mua ban đầu).
Thực tế, thị trường địa ốc ở Việt Nam có sự biến động gia tăng giá liên tục trong nhiều năm. Cách ghi nhận này đã gây ra sự chênh lệch rất lớn giữa 2 bản báo cáo, chẳng hạn như trụ sở 235 Võ Thị Sáu (Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh), theo ghi nhận trên sổ sách chỉ có 5 tỷ đồng nhưng giá giao dịch hiện nay trên thị trường không dưới 75 tỷ đồng, sự chênh lệch này lên đến 15 lần.
Ngoài bất động sản, định giá những tài sản cố định của Hòa Bình trong Báo cáo tài chính kiểm toán cũng thấp hơn rất nhiều so với thực tế, nhiều tài sản cố định thậm chí không được đưa vào định giá vốn chủ sở hữu, từ đó khiến cho vốn chủ sở hữu trong Báo cáo tài chính kiểm toán thấp hơn nhiều so với thực tế.
Theo Báo cáo quản trị thì giá trị bất động sản theo thị trường hiện nay là 4.789 tỷ đồng trong khi theo Báo cáo tài chính kiểm toán chỉ ghi nhận 2.470 tỷ đồng, chênh lệch 2.319 tỷ đồng.
Tập đoàn Hoà Bình cũng cho biết, giá trị còn lại của máy móc thiết bị được ghi nhận trong Báo cáo tài chính kiểm toán không phù hợp với thực tế bởi 2 lý do chính.
Thứ nhất, giá trị khấu hao theo chế độ kiểm toán hiện hành chưa phản ánh đúng với khấu hao trong thực tế và sự trượt giá trên thị trường cũng tác động đáng kể đến giá trị còn lại của máy móc thiết bị.
Nhiều máy móc thiết bị đã khấu hao hết và ghi nhận trong sổ sách bằng 0 nhưng thực tế vẫn còn hoạt động rất tốt. Mặt khác, giá mua mới hiện nay trên thị trường cao hơn nhiều so với nguyên giá (giá mua trước đây) cho nên sự chênh lệch về giá trị còn lại của máy móc thiết bị cũng rất lớn giữa 2 bản báo cáo. Theo đó, sự chênh lệch này lên đến 1.024 tỷ đồng.
Thứ hai, các khoản phải trích lập dự phòng theo chế độ kế toán hiện hành được xác định theo tuổi nợ, trong khi theo Báo cáo quản trị, Hòa Bình đánh giá căn cứ vào nguyên nhân chậm thanh toán, sự đảm bảo về chất lượng công trình, mức độ hoàn thiện của hồ sơ thanh quyết toán, năng lực tài chính và những rủi ro về hoạt động kinh doanh của khách hàng cùng những đặc thù về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc và mức độ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của Hoà Bình.
“Theo lịch sử, chưa bao giờ Hòa Bình xóa sổ bất kỳ khoản phải thu nào. Vì vậy, phần hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi cụ thể có sự chênh lệch là 1.450 tỷ đồng”, doanh nghiệp nêu.
Đại diện Tập đoàn xây dựng Hòa Bình nhấn mạnh, việc tăng các khoản phải thu theo phán quyết của tòa sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu.
Những đánh giá của tập đoàn còn dựa vào lịch sử kinh nghiệm giải quyết các vụ kiện về thu hồi nợ mà trường hợp điển hình là món nợ trên 5 năm (theo qui định đã lập dự phòng 100%) của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.
“Hòa Bình không những thu hồi được 100% nợ gốc mà còn thu cả lãi và phạt có giá trị lên đến trên 58% nợ gốc. Phần chênh lệch khoản phải thu giữa giá trị ghi nhận trên sổ sách và giá trị phán quyết của toà là 652 tỷ đồng. Theo Tập đoàn, đó là khoản nợ hoàn toàn có khả năng thu hồi”, Hoà Bình khẳng định.
Hoà Bình đang hướng đến việc tăng thu, giảm chi. Ngoài ra, công ty sẽ tham gia đấu thầu trong nước 9.000-10.000 tỷ đồng với khối lượng thực hiện khoảng 40-45%.
Tập đoàn của ông Lê Viết Hải sẽ triển khai nhiều dự án tại thị trường nước ngoài đến năm 2028 gồm Mỹ, Vanuatu, Australia, châu Phi.