Điều tra dân số Việt Nam, lần đầu tiên có cả về người nước ngoài

Việt Nam sẽ lần đầu tiên thu thập cả thông tin về người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ trong cuộc điều tra dân số và nhà ở sắp tới.
Sputnik
Đặc biệt, với các tài sản lớn của hộ dân, điều tra viên cũng sẽ đến tận nhà để “mục sở thị” ngôi nhà, mảnh đất hay căn hộ, đảm bảo kê khai trung thực, đầy đủ.

Điều tra dân số khác với thu thập thông tin CSDL dân cư

Báo Đầu tư cho biết, từ ngày 1/4/2024 đến ngày 30/4/2024, ngành thống kê sẽ thực hiện cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Văn Hoạch - Phó cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê (Tổng cục Thống kê) cho biết, điều tra dân số là để thu thập thông tin về con người trong đời sống kinh tế - xã hội thực tế của một khu vực địa lý, một quốc gia theo các tiêu chí áp dụng trên toàn thế giới. Các tiêu chí này không hoàn toàn thống nhất với quy định của Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Chẳng hạn, để một người được tính vào dân số của một địa bàn hành chính nào đó, điều tra dân số căn cứ khái niệm “nhân khẩu thực tế thường trú”, tức những người đã cư trú ổn định trên địa bàn từ 6 tháng trở lên, hoặc chưa đủ 6 tháng nhưng có ý định cư trú ổn định lâu dài tại địa bàn, không phân biệt họ có hay không các giấy tờ cần thiết như sổ hộ khẩu, giấy đăng ký tạm trú.
Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao
Trong khi đó, để được ghi nhận vào cơ sở dữ liệu dân cư của một địa phương trong Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, công dân cần làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, đăng ký tạm trú. Nếu công dân không làm các thủ tục theo quy định, họ không được tính là dân số của địa phương mà họ đang thường trú trên thực tế.
Ví dụ, hàng triệu người hiện nay đang đăng ký hộ khẩu thường trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lại đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Hà Nội...
Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia ghi nhận các công dân này ở địa phương họ đăng ký hộ khẩu thường trú, nhưng điều tra dân số lại ghi nhận họ là dân số của địa phương mà họ đang làm việc và sinh sống ổn định.
Điều này sẽ dẫn đến khác biệt về số liệu dân số quản lý trên giấy tờ nhân thân với số liệu dân số trên thực tế tại một địa phương, gây khó khăn cho việc quản lý và phân bổ nguồn lực thực tế tại địa phương.
Do đó, nếu không thu thập thông tin về dân số và nhà ở, sẽ không có cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; không có cơ sở để Đại hội Đảng XIV, Quốc hội nhiệm kỳ XVI xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 – 2030; cũng không có dữ liệu chính xác để giám sát các Mục tiêu Phát triển bền vững LHQ mà Việt Nam đã cam kết.
Bên cạnh việc điều tra về dân số, ngành thống kê lần này còn điều tra về nhà ở của hộ dân cư, cũng như một số chỉ tiêu khác để đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân, như tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi chưa được đăng ký khai sinh, trình độ học vấn, đặc điểm nhà ở,… Những chỉ tiêu này hiện nay vẫn chưa thể tính toán được từ nguồn Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Dân số Campuchia 2023: Bao nhiêu người sinh sống, thống kê
Trên thực tế, có ít người muốn kê khai toàn bộ tài sản, đặc biệt là tài sản giá trị lớn như nhà đất, nên điều tra viên sẽ đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin điền vào Phiếu điều tra điện tử (CAPI) được thiết kế trên thiết bị di động thông minh.
“Để hạn chế trường hợp lời khai của chủ hộ khác với thực tế tài sản, khi thu thập thông tin về nhà ở, điều tra viên phải “mục sở thị” ngôi nhà, mảnh đất, căn hộ để ghi kết quả vào phiếu điều tra”, báo đầu tư dẫn lời ông Cao Văn Hoạch.

Thu thập thông tin về người nước ngoài cư trú tại Việt Nam

Đối với người nước ngoài đến Việt Nam cư trú trong thời gian nhất định, ông Hoạch cho biết dù số liệu thống kê về người nước ngoài ở Việt Nam đã được nhiều bộ, ngành quản lý, thống kê và báo cáo, nhưng các số liệu này hiện vẫn rời rạc, thiếu đồng bộ và chưa được sử dụng để phục vụ hiệu quả công tác quản lý.
Việc thu thập thông tin về người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam là cơ sở để biên soạn các chỉ tiêu thống kê, có nguồn số liệu đáng tin cậy để đánh giá quy mô, đặc điểm kinh tế - xã hội và các đặc trưng nhân khẩu học về người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam.
Với nguồn thông tin này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thể đưa ra chính sách phù hợp tạo điều kiện cho người nước ngoài sống, làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bởi đây là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội của bất kỳ quốc gia nào.
Năm “Rồng vàng” và vấn đề dân số Việt Nam 2024
“Hơn nữa, người nước ngoài được đưa vào đối tượng điều tra nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thống kê và khuyến nghị của quốc tế về thống kê dân số, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Hoạch cho biết.
Cần lưu ý, điều tra thông tin về người nước ngoài rất khó vì họ đến từ nhiều nơi trên thế giới, hầu hết không biết tiếng Việt. Trường hợp người nước ngoài nghe và nói được tiếng Việt, ngành thống kê sẽ phỏng vấn trực tiếp; trường hợp với người không biết tiếng Việt thì hỏi qua người Việt Nam sống cùng hộ.
Để điều tra thông tin về người nước ngoài, ngành thống kê đưa ra 10 câu hỏi về giới tính, tuổi, quốc tịch, nơi sinh, tình trạng di chuyển, tình trạng nhà ở của hộ... Việc điều tra kết hợp phương pháp thu thập thông tin trực tiếp (qua phiên dịch) và gián tiếp (qua phiếu điều tra) với người nước ngoài.
Phiếu điều tra sẽ được dịch ra 6 thứ tiếng, bao gồm tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Phiếu được gửi đến hộ gia đình người nước ngoài khi toàn bộ thành viên trong gia đình không thể sử dụng tiếng Việt.
“Người nước ngoài muốn sinh sống, làm việc lâu dài tại Việt Nam, nên tôi tin rằng, họ sẽ thực hiện đầy đủ pháp luật của nước sở tại, hợp tác với điều tra viên trong khai báo trung thực, đầy đủ thông tin mà cuộc điều tra yêu cầu”, ông Cao Văn Hoạch nhận định.
Thảo luận