Theo ông Vũ Việt Văn, Vĩnh Phúc “nhìn chung vẫn ổn”, do kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc nên hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc “nhìn chung ổn định”
UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã có thông báo kết quả phiên họp tháng 3 và triển khai nhiệm vụ tháng 4.
Sau khi Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành bị bắt, phiên họp trên do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn chủ trì, theo báo Dân trí.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Vũ Việt Văn khẳng định tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, nhanh chóng khắc phục khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Đáng chú ý, nhờ kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc nên hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh "nhìn chung ổn định". Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) quý đầu năm 2024 ước tăng 4,06% so với cùng kỳ (quý I/2023 tăng trưởng -0,5%).
Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tính riêng tháng 3 tăng 25,7% so với tháng trước, giảm 3,16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I/2024, IIP tỉnh Vĩnh Phúc ước tăng 6,67% so với cùng kỳ; chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,63%; chỉ số tồn kho tháng 3 tăng 9,19%.
Như vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc nhìn chung vẫn khó khăn. Theo số liệu do UBND tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp, chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp chủ lực như sau:
Ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 13,49% so cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 7,84%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 3,96%; sản xuất ô tô giảm 20,23% và xe máy giảm 4,64%.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận, trong quý đầu năm 2024, hoạt động đầu tư phát triển gia tăng ở khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với mức tăng lần lượt là 9,23% và 6,11%.
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công quý I/2024 khá cao, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn tỷ lệ giải ngân của cả nước (đạt 8,7% kế hoạch), đưa Vĩnh Phúc xếp thứ 3/63 các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao.
Tính đến giữa tháng 3, Vĩnh Phúc thu hút được 12 dự án DDI (trong đó có 6 dự án mới, 6 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt gần 2.100 tỷ đồng.
Với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy phép cho 25 dự án (13 dự án mới, 12 dự án điều chỉnh vốn), với tổng số vốn đăng ký là hơn 347 triệu USD.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có chững lại, nhưng theo lãnh đạo Vĩnh Phúc, đã ghi nhận sự gia tăng không nhỏ về vốn đăng ký với 3.325 tỷ đồng, tăng 40,73% so với cùng kỳ.
Tính đến giữa tháng 3, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 283 doanh nghiệp, giảm 6,9%. Có 158 doanh nghiệp quay trở lại thị trường và 577 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh.
Về vấn đề việc làm, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho gần 6.400 lao động; lao động thôi việc, mất việc trên 1.600 người.
Lãnh đạo Vĩnh Phúc yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn
Định hướng nhiệm vụ trong tháng 4, ông Vũ Việt Văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu đảm bảo phân bổ hết nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án lớn, trọng điểm, cũng như các dự án tạo động lực phát triển của tỉnh.
Lãnh đạo Vĩnh Phúc đề nghị UBND huyện Lập Thạch, huyện Sông Lô rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính, phối hợp công tác, chậm báo cáo kết quả giải phóng mặt bằng.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân được hưởng tiêu chuẩn đất dịch vụ, nhất là với các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường – là các địa phương có kết quả giải quyết đất dịch vụ thấp nhất tỉnh này.
Nhiều lãnh đạo Vĩnh Phúc bị khởi tố, bắt tạm giam
Như Sputnik đã thông tin tin, ngày 8/3 Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Hoàng Thị Thúy Lan (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc) và ông Lê Duy Thành (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) cùng về tội Nhận hối lộ.
Đến cuối tháng 3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục ban hành quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Hoàng Anh (Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc) cũng về tội Nhận hối lộ.
Các động thái trên của Bộ Cộng an nằm trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (trụ sở tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
Phát biểu hôm qua 4/4 tại hội nghị giao ban công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp quý I/2024, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Dương Văn An đề nghị, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Đối với lĩnh vực đất đai, toàn tỉnh có nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, chưa được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, các địa phương, cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát, thống kê toàn diện, đầy đủ những khó khăn, bất cập, sai sót liên quan, từ đó, có giải pháp xử lý đồng bộ, thống nhất.
Theo báo Thanh Tra, ông An cũng yêu cầu tiếp tục tăng cường giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, tránh để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Các cơ quan khối nội chính, cơ quan hỗ trợ tư pháp phối hợp chặt chẽ, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhằm tạo niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước về công tác nội chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.
Đến hôm nay 5/4, Bí thư Vĩnh Phúc cũng đã công khai lịch tiếp công dân.