Trẻ cậy cha, già cậy ai?
Việt Nam có câu tục ngữ “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Trong quan niệm người châu Á nói chung và văn hóa truyền thống của người Việt Nam nói riêng, bố mẹ thường sống chung với con cháu khi về già.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xã hội đã chứng kiến sự thay đổi trong xu hướng sống của người già. Theo khảo sát và thống kê, đến tháng 12/2020, tại Việt Nam mới chỉ có khoảng 80 cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập. Tuy nhiên, thực tế con số này đang tăng lên. Chi phí tại một số trung tâm dưỡng lão tư nhân nằm trong khoảng 10-18 triệu đồng mỗi tháng, tuỳ thuộc vào loại phòng và tình trạng sức khoẻ của mỗi người.
Dù chi phí cũng không phải thấp, song các trung tâm này thu hút một lượng đáng kể các gia đình có điều kiện kinh tế tham gia đăng ký sử dụng dịch vụ. Thậm chí, ngay chính những người cao tuổi cũng tự nhận thấy tiện ích mà các trung tâm đang hoạt động theo mô hình hiện đại cung cấp là phù hợp với cuộc sống của họ. Điều đó cho thấy đã và đang có sự thay đổi trong cách nghĩ của nhiều gia đình người Việt.
Trao đổi với Sputnik, GS.TS Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân cũng chỉ ra rằng, thực tế hiện nay tại Việt Nam phần lớn người cao tuổi sống với con nhưng tỷ lệ này đang giảm nhanh. Dư địa phát triển ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam là rất lớn.
“Tôi cho rằng, tương lai, việc chăm sóc người già sẽ ngày càng khó khăn do thiếu nhân lực trong gia đình. Bởi vậy, cần khuyến khích đa dạng hóa nơi ở của người cao tuổi và đa dạng hóa các hình thức chăm sóc họ. Nên hình thành và phát triển nhanh dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc xây dựng, phát triển và đa dạng hóa các Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc. Cụ thể, như chính sách ưu đãi về đất đai, vốn vay, đào tạo nguồn nhân lực,…”, Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân chỉ rõ.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Chỉ mất khoảng 20 năm để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên hơn 25%. Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế, xã hội, đồng thời đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế. Chuyên gia nhấn mạnh, thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, tâm lý xã hội cho dân số già của nước ta ngắn hơn rất nhiều so với các nước đã phát triển.
“Cần đẩy mạnh nghiên cứu, truyền thông về xu thế già hóa nhanh của Việt Nam để toàn xã hội nhận thức đầy đủ về thời cơ, thách thức của thời kỳ này. Ngoài ra, Đảng và Chính phủ cần sớm có chính sách phù hợp, hữu hiệu thích ứng với già hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn dân nói chung và chất lượng cuộc sống của hàng chục triệu người cao tuổi nói riêng”, GS.TS Nguyễn Đình Cử đánh giá.
Tận dụng nhân lực điều dưỡng viên người Việt từ nước ngoài
Nhật Bản là một quốc gia có hơn 36 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 30% tổng dân số. Để giảm thiểu tình trạng gần như khủng hoảng đó, người Nhật tập trung vào việc phát triển mô hình trung tâm chăm sóc người cao tuổi với chất lượng cao. Họ tăng cường đào tạo và tuyển dụng đội ngũ điều dưỡng viên chăm sóc người già không chỉ trong nước mà còn từ nước ngoài. Không chỉ ở Nhật Bản, tại Đức, số lượng thực tập sinh người Việt làm việc trong ngành này đang tăng lên trông thấy.
Theo chuyên gia, có thể học hỏi từ các mô hình dịch vụ chăm sóc người cao tuổi như Nhật Bản cũng như có thể tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực điều dưỡng viên này. Tuy nhiên, cần phải điều chỉnh vận hành sao cho phù hợp với văn hóa của người Việt. Làm sao vừa có sự độc lập trong sinh hoạt nhưng vẫn có sự quan tâm từ người thân.
Thay vì hình thức nội trú và hoàn toàn cách xa gia đình như ở Nhật Bản, ưu tiên hàng đầu của người cao tuổi Việt Nam là tiếp tục sống tại gia đình hoặc gần nhà, gần con cháu. Do đó, hình thức dưỡng lão gần nhà hay các dịch vụ chăm sóc theo giờ tại nhà sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu và tâm lý của người già.
Các sản phẩm AI chăm sóc người già là xu hướng
Tình trạng người cao tuổi mắc bệnh khá phổ biến như viêm khớp, đau dây thần kinh hoặc thấp khớp; tăng huyết áp; đột quỵ, đau lưng mạn tính hay các bệnh về tiêu hóa. Ngoài ra, người cao tuổi cũng thường có nhu cầu được tâm sự bầu bạn, chia sẻ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Theo đó, có thể thấy rằng, những sản phẩm thực phẩm bổ sung hay những dịch vụ chăm sóc với các căn bệnh phổ biến của người già như trên sẽ là một thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam. Ví dụ, như thị trường thực phẩm và đồ uống bổ dưỡng, cũng như những sản phẩm tăng cường tính tiện dụng, sản phẩm thiết bị y tế bảo hộ chăm sóc người cao tuổi,...
“Từ thực tế này, có thể thấy cần đa dạng hóa các mô hình chăm sóc sức khỏe cho người già tại cộng đồng như: Lập dịch vụ theo dõi sức khỏe; Khám sức khỏe định kỳ;…Phát triển hệ thống cơ sở chăm sóc dài hạn, cơ sở y tế khám chữa bệnh. Làm sao lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe vào hoạt động của các câu lạc bộ người cao tuổi. Đồng thời, phát triển và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lão khoa, phục hồi chức năng cho nhân viên, tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”, chuyên gia chia sẻ.
Bên cạnh các mô hình viện dưỡng lão, các sản phẩm trí tuệ nhân tạo như Robot, các sản phẩm công nghệ, tự động hóa cũng là một giải pháp cho những lo lắng về tương lai dân số già của Việt Nam.