Trong đó, ông Quyết cùng 7 người bị truy tố về hai tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Quyết); Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột ông Quyết); Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC; Trịnh Văn Đại, Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros (anh họ ông Quyết); Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng nhóm vật tư cảnh quan, phòng mua sắm của Công ty TNHH MTV FLC Land (em rể ông Quyết, chồng Trịnh Thúy Nga); Trịnh Tuân, nguyên giám đốc Công ty FLC Land (cháu họ ông Quyết); Nguyễn Thị Hồng Dung (vợ Nguyễn Quang Trung, họ hàng với ông Quyết).
13 người bị truy tố tội Thao túng thị trường chứng khoán; 22 người về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Bên cạnh đó, 4 cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM bị truy tố gồm: ông Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HĐQT; Lê Hải Trà, cựu tổng giám đốc, cựu ủy viên HĐQT, thành viên độc lập hội đồng niêm yết; Trầm Tuấn Vũ, nguyên phó tổng giám đốc, phó chủ tịch hội đồng niêm yết; Lê Thị Tuyết Hằng, giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết.
Cả bốn người trên cùng bị cáo buộc có hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Ba cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước bị truy tố gồm: Lê Công Điền, vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Dương Văn Thanh, tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; Phạm Minh Trung, trưởng phòng đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Cả ba người bị truy tố về tội "công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".
Kết quả điều tra bổ sung trước đó cho rằng, từ ngày 26/5/2017- 10/1/2022, cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo việc mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng để em gái là Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Khi giá cổ phiếu tăng, bà Huế bán cổ phiếu ra thị trường theo chỉ đạo của ông Quyết, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2014- 9/2016, ông Trịnh Văn Quyết còn chỉ đạo các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros, các Công ty thuộc Tập đoàn FLC; người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, nâng khống 3.102 tỷ đồng vốn góp vào Công ty Faros. Việc này làm tăng vốn điều lệ của Công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Tiếp đó, các bị can tạo lập hồ sơ, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Kế hoạch này của ông Quyết đã được các ông Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà cùng một số cán bộ khác tại HoSE và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam "giúp sức".
Theo quy chế hoạt động của HĐQT và hội đồng niêm yết sàn HoSE thì việc thẩm định chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros không thuộc thẩm quyền của HĐQT.
Mặt khác, ông Sinh với vai trò là Chủ tịch HĐQT HoSE biết báo cáo kiểm toán về tài chính năm 2014 và 2015 của doanh nghiệp này không phù hợp. Báo cáo vi phạm lưu ý lớn rằng "không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp".
Tuy nhiên, do mối quan hệ cá nhân và nhiều lần được Trịnh Văn Quyết cùng Doãn Văn Phương - cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC (đã bỏ trốn) nhờ giúp đỡ nên ông Sinh đã hỗ trợ để Faros được niêm yết, cáo trạng nêu.
Ông Sinh bị cáo buộc nhiều lần trực tiếp chỉ đạo cấp dưới là Trà, Vũ, Hằng tạo điều kiện sớm niêm yết cổ phiếu cho Faros.
Do đó, trong khi Công ty Faros chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định, ông Trần Đắc Sinh đã chỉ đạo, tổ chức họp HĐQT quyết định về hồ sơ niêm yết của Công ty Faros.
Tại cơ quan điều tra, ông Sinh khai, do có mối quan hệ thân quen với Trịnh Văn Quyết nên muốn giúp việc chấp thuận niêm yết cho Faros, từ đó, doanh nghiệp này có điều kiện thu hút vốn của nhà đầu tư trên thị trường, thông qua đó, sàn HoSE sẽ có doanh thu từ phí niêm yết, phí giao dịch chứng khoán, cáo trạng nêu.
Trong khi đó, ông Lê Hải Trà bị cáo buộc, biết rõ báo cáo kiểm toán về tài chính của Faros có vi phạm bởi "chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp". Tuy nhiên, do có mối quan hệ quen biết Trịnh Văn Quyết từ trước, nên ông Trà vẫn gây sức ép cho Đoàn Vĩnh Nam đề xuất chấp thuận hồ sơ niêm yết của Faros, trong khi chưa đủ cơ sở xác định vốn góp.
Ông Lê Hải Trà đã ký phiếu đồng ý niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros, đồng ý niêm yết cổ phiếu của công ty này trái pháp luật.
Tại cơ quan điều tra, ông Trà thừa nhận hành vi và khai nguyên nhân phạm tội là "do có mối quan hệ nên muốn giúp đỡ Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương", cáo trạng nêu.
Viện kiểm sát cáo buộc sai phạm của ông Sinh và ông Trà dẫn đến hậu quả Trịnh Văn Quyết được niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống trên sàn chứng khoán, thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của nhà đầu tư.