Ông tổ về báo mộng kho báu 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty: Bình Thuận nói gì?

Về vụ ông Huỳnh Phú Tân xin khai thác “kho báu” 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty ở Bình Thuận, cơ quan chức năng khẳng định không có cơ sở để xem xét, giải quyết vấn đề này.
Sputnik
Lý do, ông Tân không cung cấp được bất kỳ tài liệu, hình ảnh, thông tin nào liên quan để chứng minh sự việc và nguồn gốc “kho báu”, không có phương án thăm dò và phương án khai thác vật quý.

Bình Thuận: Không giải quyết đơn xin khai thác “kho báu” 3 tấn vàng sông Cà Ty

Báo Vietnamnet đưa tin, ngày 12/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết cơ quan này đã báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận về việc ông Huỳnh Phú Tân (42 tuổi, trú tỉnh Bạc Liêu) xin khai thác “kho báu” 3 tấn vàng dưới lòng sông Cà Ty.
Báo cáo nêu, ngày 1/4 vừa qua, ông Tân có đơn xin phép khai thác vật quý là “3 tấn vàng do quân đội Nhật chôn giấu dưới sông Cà Ty”. Đây là đơn gửi lần thứ 3 của ông Tân. Đơn vị đã phúc đáp và hướng dẫn ông thực hiện các nội dung theo quy định để được xem xét vụ việc.
Tuy nhiên, đến nay ông Huỳnh Phú Tân không thực hiện đúng các nội dung hướng dẫn, cụ thể là không có phương án thăm dò và phương án khai thác vật quý, mà chỉ nêu ra một số ý về thời gian, cách thức thực hiện và xử lý tài sản sau thăm dò.
Đồng thời, ông Tân cũng không cung cấp được bất kỳ tài liệu, hình ảnh, thông tin nào liên quan để chứng minh sự việc và nguồn gốc về nơi chôn giấu “kho báu” là có thực.
Qua hai lần đến và làm việc trực tiếp tại Sở vào ngày 13/3 và ngày 10/4, ông Huỳnh Phú Tân cũng không cung cấp được thông tin nào cụ thể, rõ ràng liên quan tới “kho báu” nói trên.
“Kho báu 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty”: Ông tổ về báo mộng?
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho hay, ông Tân nói bản thân ông chỉ nghe về “kho báu” trên qua một người quen, hiện đang sống ở Tánh Linh (khoảng 80 tuổi), kể lại.
Chính người quen này đặt vấn đề để ông Tân đứng ra xin khai thác, chứ không phải thông tin từ "cụ tổ" truyền lại như trong đơn. Thế nhưng, ông Tân cũng không chịu cung cấp thông tin cụ thể của người quen này.
Từ những lý do trên, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận khẳng định không có cơ sở để xem xét, giải quyết việc xin khai thác “kho báu” 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty như đơn đề nghị của ông Huỳnh Phú Tân.
Cơ quan này cũng lưu ý, vật quý mà ông Tân ghi trong đơn là vàng, nên không thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở, bởi đây không phải là di sản văn hóa (di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật).
Chính vì vậy, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất không xem xét, giải quyết đối với đơn xin khai thác “kho báu” của ông Huỳnh Phú Tân.
“Trường hợp ông Tân tiếp tục kiến nghị xin khai thác vật quý với điều kiện cung cấp thông tin, hình ảnh, tư liệu chứng minh được có sự việc và nguồn gốc về nơi chôn giấu vật quý, đề nghị UBND tỉnh giao cho các cơ quan chức năng tiếp nhận, tham mưu giải quyết theo quy định”, báo Vietnamnet dẫn nội dung báo cáo.

Xin khai thác 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty vì ông tổ về báo mộng

Như Sputnik đã đưa tin, ông Huỳnh Phú Tân trước đó đã có đơn gửi UBND tỉnh Bình Thuận cùng ngành chức năng xin khai thác "kho báu" 3 tấn vàng dưới lòng sông Cà Ty.
Theo ông Tân, “kho báu” nói trên được ông tổ của ông phát hiện, do quân đội Nhật Bản chôn giấu từ ngày xưa. Thông tin này được truyền đến đời ông và hiện chỉ có ông mới biết được địa điểm.
Người đàn ông nắm giữ bí mật “kho báu” 3 tấn vàng dưới lòng sông Cà Ty?
Người đàn ông này còn cam kết ký quỹ 500 triệu đồng khắc phục môi trường khi được cho phép thực hiện.
Đặc biệt, ông Tân cũng đề xuất phương án xin được nhận 30% tổng tài sản tìm được từ "kho báu" (nếu có). Còn lại 70% ông xin bàn giao lại cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận.
Để an toàn trong việc khai thác “kho báu sông Cà Ty”, ông Tân nói cần 10 cán bộ công an bảo vệ và cán bộ tài chính kiểm kê tài sản sau khi khai thác được; đồng thời đưa tài sản thu được về Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận.
Nói với báo chí, bà O. (mẹ ông Tân) cho biết, gia đình rất bất ngờ khi nghe tin ông Tân làm đơn xin khai thác "kho báu" 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty ở Bình Thuận.
Theo bà O., trước đây bà từng nghe con trai nói nằm mơ thấy câu chuyện này. Khi đó, bà chỉ cho rằng đây là chuyện tâm linh không căn cứ, nhưng không ngờ ông Tân lại làm đơn xin khai thác thật.
Thảo luận