Chuyên gia nhấn mạnh rằng, vàng miếng SJC không chênh lệch các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, nhưng giá cả lại chênh lệch rất lớn là vô lý.
Việc đấu thầu vàng có thể làm tăng cung ngắn hạn, giải toả tâm lý người dân và nhà đầu tư, nhưng đây chỉ là tình thế nhất thời, về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước cần giải pháp căn cơ, có thể xem xét cho phép nhập khẩu thêm vàng và áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Xóa bỏ chênh lệch giá vàng phải bằng biện pháp thương mại
Trước những diễn biến “nóng” của thị trường vàng trong nước, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, lâu nay, có hai vấn đề hay được nhắc tới thị trường vàng là: vàng hóa và chênh lệch cao bất hợp lý giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Theo báo Đầu tư dẫn lời vị chuyên gia, hiện nay, công tác chống vàng hóa đã được thực hiện thành công vì Ngân hàng Nhà nước đã tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng (cấm vàng trở thành tiền gửi và cho vay trong hệ thống ngân hàng).
“Chúng ta đã cấm sử dụng vàng như phương tiện huy động và cho vay, nên vàng hóa đã kết thúc”, - TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Tuy nhiên, vấn đề còn lại là chênh lệch giá vàng cao “đến mức phi lý”, thì theo chuyên gia, hiện nay vẫn còn “rất nhức nhối”.
Ông Nghĩa lý giải, căn nguyên của tình trạng này là từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 24) ra đời đến nay, nguồn cung vàng bị cắt đứt, doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn lên tới khoảng 55 tấn mỗi năm (số liệu từ Hội đồng Vàng thế giới).
Nêu quan điểm thẳng thắn, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định, việc xóa bỏ chênh lệch phi lý của vàng trong nước và thế giới cần “biện pháp thương mại, không phải là biện pháp tiền tệ như đấu giá vàng miếng”.
“Đơn giản nhất là cho phép công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện được xuất nhập khẩu vàng. Chính phủ cần dùng công cụ mạnh nhất để xử lý vấn đề này là thuế”, - chuyên gia nhấn mạnh.
Theo ông, hiện hải quan điện tử đã có thể quản lý tốt nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng.
“Chỉ cần như vậy là đủ”, - TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.
Thế giới còn mỗi Việt Nam là NHTƯ độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng
Ông Nghĩa đánh giá, đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư, nhưng giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất, đúng thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Đáng chú ý, chuyên gia cũng chỉ ra vấn đề rằng, hiện trên thế giới còn mỗi Việt Nam là ngân hàng trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng.
“Hiện nay, vàng miếng SJC không chênh lệch các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, song giá cả lại chênh lệch rất lớn là vô lý. Cần trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp để họ kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác”, - TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.
Trả lời về quan ngại nếu cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến tỷ giá bị ảnh hưởng, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa đánh giá, những năm qua, cung vàng trong nước được đáp ứng bởi vàng nhập lậu (do không được nhập khẩu chính thức).
Vàng nhập lậu đương nhiên cũng phải sử dụng đến nguồn ngoại tệ trong nước, trong khi nhà nước thất thu thuế.
Trong khi đó, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước tính không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Do đó, theo ông Nghĩa, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng.
Nêu ý kiến về nguyên nhân giá vàng thế giới tăng phi mã thời gian qua, ông Nghĩa cho rằng, lý do chính là các ngân hàng trung ương dồn dập mua vào để tăng dự trữ.
“Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước lẽ ra nên tăng mua vàng dự trữ hơn là đưa vàng ra bán đấu thầu”, - TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế
Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc tổ chức đấu thầu vàng – lấy vàng từ kho dự trữ quốc gia – ra đấu thầu được xem là hợp lý khi giá vàng đang tăng quá nóng như hiện nay, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Nguyễn Thế Hùng đánh giá, đây chỉ là giải pháp trước mắt khi chờ sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.
“Đấu thầu vàng miếng vẫn là giải pháp trong ngắn hạn để tăng cung và thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Còn lộ trình đấu thầu trong bao lâu và sau đấu thầu là gì vẫn chưa thể nói trước được”, - ông Hùng bày tỏ.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cung thôi là sẽ đủ. Vấn đề là cung bao nhiêu, có đủ tiêu hóa hết lượng cầu đang tăng hiện nay hay không. Đó thì nó phải phụ thuộc và dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà Nước, cái thứ 2 là trạng thái cán cân thanh toán hiện nay của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc tham gia đấu thầu vàng sẽ đòi hỏi các đơn vị tham gia có vốn lớn, nhưng lợi nhuận từ chênh lệch giá khi đem lượng vàng trúng thầu này vào kinh doanh có thể không quá lớn, cũng là yếu tố cần tính đến khi tổ chức các phiên đấu thầu. Bên cạnh đó cũng phải tính đến các giải pháp mang tính dài hạn.
GS. TS Trần Ngọc Thơ lưu ý, dự trữ ngoại hối của NHNN hiện chỉ có 100 tỷ USD, chỉ vừa chạm ngưỡng an toàn an ninh tài chính tiền tệ.
Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc - Đá quý ASEAN (AJC) Trần Văn Đang cho biết, nhu cầu mua vàng miếng SJC vẫn cao khi nhà đầu tư lo ngại xung đột ở Trung Đông leo thang.
NHNN sắp đấu thầu vàng miếng đã ngay lập tức làm cho giá vàng SJC giảm mạnh 1 triệu đồng/lượng vào chiều 15/4, thu hẹp đáng kể chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước.
“Tuy nhiên, không ai biết được sau khi giá giảm vài ngày, người dân sẽ bán ra vàng miếng SJC hay mua vào? Vì thế, xu hướng của giá vàng trong nước thời gian tới rất khó lường”, - Kinh tế Đô thị nêu ý kiến của Đang.
Các chuyên gia tài chính cũng lưu ý, Ngân hàng Nhà nước không thể kéo dài các phiên đấu thầu vàng miếng, cũng không thể chào bán vàng với giá thấp hơn giá thị trường quá nhiều. Nếu NHNN bán thấp hơn quá nhiều sẽ làm mất vốn Nhà nước.
Chuyên gia tài chính, TS. Trần Nguyên Đán nhấn mạnh, giải pháp lâu dài, cần phải có 1 loạt các thị trường đầu tư, để ổn định nhu cầu đầu tư của người dân. Sau đó ổn định nhu cầu mua vàng để tích trữ của người dân.
“Chúng ta phải có cơ chế để nhập khẩu vàng dễ hơn, có thể là bên thứ 3, dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà Nước”, - ông nói.
Nhiều chuyên gia đề xuất Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc nhập thêm vàng, để tạo cung cho các phiên đấu thầu. Lượng vàng nhập về có thể giới hạn ở 10-15% thặng dư cán cân thanh toán, để không gây tác động tới tỷ giá.